MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế thế giới vẫn có những vết sẹo dài dù những đầu tàu hồi phục mạnh

19-04-2021 - 15:39 PM | Tài chính quốc tế

Kinh tế thế giới vẫn có những vết sẹo dài dù những đầu tàu hồi phục mạnh

Những hệ luỵ như giáo dục bị ngắt quãng, nợ tăng vọt lên tương đương với thời kỳ chiến tranh và bất bình đẳng tăng cao vẫn sẽ để lại những vết sẹo khó lành, đặc biệt ở các nước nghèo.

Cũng giống như một số bệnh nhân vật vã hồi phục từ các triệu chứng kéo dài của Covid-19, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Sau khi đà hồi phục hình chữ V dần phai nhạt, kinh tế toàn cầu được dự báo cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

Mặc dù tổng cộng đã có 26.000 tỷ USD được tung ra để hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua khủng hoảng và vaccine giúp tạo ra đà hồi phục nhanh hơn so với nhiều người dự báo, những hệ luỵ như giáo dục bị ngắt quãng, nợ tăng vọt lên tương đương với thời kỳ chiến tranh và bất bình đẳng tăng cao vẫn sẽ để lại những vết sẹo khó lành, đặc biệt ở các nước nghèo.

"Sẽ phải mất 1 năm nữa hoặc thậm chí nhiều hơn để chúng ta thật sự cảm thấy rằng mọi thứ đang quay trở lại quỹ đạo vốn có", Vellore Arthi, người đang công tác tại ĐH California và chuyên nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng nói.

Năm ngoái GDP toàn cầu đã sụt giảm mạnh nhất kể từ Đại suy thoái. Tổ chức lao động quốc tế ILO ước tính thiệt hại tương đương 255 triệu người bị mất đi việc làm toàn thời gian. Các nhà nghiên cứu tại Viện Pew kết luận quy mô tầng lớp trung lưu toàn cầu đã lần đầu tiên sụt giảm kể từ những năm 1990.

Tuy nhiên, các thiệt hại phân bổ không đồng đều. Báo cáo dựa trên 321 chỉ tiêu áp dụng với 162 quốc gia mà Oxford Economics thống kê nhấn mạnh Philippines, Peru, Colombia và Tây Ban Nha là những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trước những "vết sẹo dài hạn". Những nơi ít bị tổn thương nhất là Austraia, Nhật Bản, Na Uy, Đức và Thuỵ Sĩ.

"Sẽ mất nhiều thời gian để quay trở lại các tiêu chuẩn trước dịch", Carmen Reinhart, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank nhận định.

Số liệu của IMF cũng cho thấy các nền kinh tế phát triển ít phải chịu ảnh hưởng của Covid-19 hơn. Trái ngược với khủng hoảng 2009, khi những nước giàu bị tàn phá nặng nề nhất, lần này các nước có thu nhập thấp và các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng nhất.

Với GDP năm 2022 được dự báo còn lớn hơn cả mức dự báo được đưa ra trước dịch (nhờ hàng nghìn tỷ USD tiền kích thích), kinh tế Mỹ vẫn tỏ ra rất vững vàng.

Trong báo cáo tháng 1, World Bank đã cảnh báo về "thập kỷ thất vọng" đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trừ khi chúng ta có những hành động đúng đắn. WB dự báo đến năm 2025 GDP toàn cầu sẽ giảm 5% so với dự báo trước dịch. Tỷ lệ lạm phát sẽ ở dưới mức 2% trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên chúng ta có thể tránh được thập kỷ mất mát nếu như có những chính sách đúng đắn, đặc biệt trong những lĩnh vực như đào tạo lại dao động và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nhất. Ngoài ra cần khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo và đầu tư, đặc biệt là vào biến đổi khí hậu. Các NHTW và hầu hết các chính phủ vẫn đang phát tín hiệu sẽ tiếp tục mạnh tay kích thích.

Những quốc gia đã nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh đang xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về chặng đường gập ghềnh phía trước. Sau khi hưởng thụ đà hồi phục hình chữ V lúc ban đầu, trong quý IV/2020, kinh tế New Zealand đã suy yếu vì vắng bóng du khách nước ngoài.

Còn ở Trung Quốc, nơi gần 1 năm qua đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh, chi tiêu tiêu dùng vẫn đang ì trệ.

Giống như Đại khủng hoảng những năm 1930, những lo ngại về sức khoẻ và việc làm sẽ quyết định niềm tin tiêu dùng và các xu hướng chi tiêu. Đó chính là một trong những đặc điểm và cũng là rủi ro quan trọng nhất của nền kinh tế thế giới hiện nay.

"Thực sự có những điều bất định về cách hành xử của mọi người. Nếu như người dân quay trở lại ăn hàng, đi du lịch, tới phòng tập gym… thì nhiều ngành sẽ hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên cũng có nhiều khả năng mọi người thay đổi mãi mãi vì họ đã mất việc làm vĩnh viễn và không được chính phủ hỗ trợ.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đã thúc đẩy sử dụng robot nhiều hơn trong cả ngành sản xuất và dịch vụ để bảo vệ cả người lao động và khách hàng trước nguy cơ lây bệnh. Mặc dù điều đó sẽ giúp tăng sản lượng, hàng triệu việc làm bị đe doạ.

Theo McKinsey, hơn 100 triệu người tại 8 quốc gia trong nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải chuyển việc vào năm 2030. Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nữ giới, dân tộc thiểu số, người trẻ và lao động trình độ thấp. Nhiều công việc biến mất hoàn toàn vì có không ít công ty phá sản hoặc ngành đó suy thoái sâu. Những công ty thích nghi tốt hơn sẽ tồn tại và lấp vào chỗ trống đó nhưng họ cần ít lao động hơn.

Đại dịch để lại những tác động lâu dài lên nguồn nhân lực. OECD ước tính kể cả khi học sinh chỉ mất 1/3 năm học vì trường học buộc phải đóng cửa, GDP của quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có thể bị giảm 3% thu nhập trong cả cuộc đời.

Làm sao để tài trợ cho 1 cuộc hồi phục kinh tế toàn diện cũng là câu hỏi hóc búa. Sau khi vay mượn thêm 24.000 tỷ USD trong năm 2020, tổng nợ của thế giới đã lên đến mức cao kỷ ục 281 nghìn tỷ USD, theo số liệu từ IIF.

Kể cả khi không có khủng hoảng nợ, ngay sau khi lãi suất tăng thì các chính phủ và công ty đều phải chịu áp lực rất lớn. "Kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục nhanh hơn nhiều so với hậu khủng hoảng tài chính, nhưng sau khi quay trở lại trạng thái toàn dụng lao động, nền kinh tế sẽ bị mắc kẹt trong trạng thái ì ạch rất lâu", Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics nhận xét.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên