Kinh tế Thừa Thiên – Huế sẽ phát triển như thế nào kể từ năm 2020?
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu đạt mục tiêu trở thành thành phố đặc thù trực thuộc trung ương vào năm 2025. Các chuyên gia cũng đưa ra các kịch bản phát triển kinh tế địa phương này đến năm 2030 có thể GRDP đạt từ 7,5-8,25%, GRDP bình quân đầu người từ 5.800-7.000 USD.
Ngày 10-12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố đặc thù vào năm 2025
Theo đó, mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2025, Thừa Thiên -Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đô thị Huế hiện nay có khá nhiều di sản đang được giữ gìn, phát huy giá trị tốt
Đến năm 2030, địa phương này là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể. Trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GRDP 7,5 - 8,5%/năm, thu ngân sách nhà nước tăng 12 - 13%/năm; phấn đấu cân bằng ngân sách vào năm 2025. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 3.500 - 4.000 USD. Cơ cấu kinh tế với dịch vụ chiếm 53 - 54% GRDP; công nghiệp và xây dựng 31 - 32%; nông nghiệp 7 - 9%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2 - 2,2%. Tỉ lệ đô thị hoá đạt 62 - 65%.
Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành TP trực thuộc trung ương dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế
Trong giai đoạn 2026 – 2030, tăng trưởng GRDP 7 - 8%/năm, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%/năm, thu ngân sách nhà nước tăng 13 - 15%/năm. Đến năm 2030, GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm 54 - 56% GRDP, công nghiệp và xây dựng 33 - 34%, nông nghiệp 5 - 7%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức trung bình toàn quốc.
Chuyên gia nhận định
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương này là 7,18%, không đạt chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước tỉnh này là 7.787 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, Thừa Thiên – Huế là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Giai đoạn từ 2007 đến 2017, mỗi năm trung ương phải cân đối bổ sung ngân sách thêm 22-24%. Tổng thu ngân sách năm 2018 đứng thứ 10/14 vùng Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung.
Theo nhóm tác giả Đỗ Văn Lâm, Hoàng Thị Minh Hà, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia; Phạm Mỹ Hằng Phương, Học viện Chính sách và phát triển (đều thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra 2 kịch bản dự báo nên kinh tế của Thừa Thiên – Huế từ 2021-2030. Nhóm tác giả này đưa ra các kịch bản dựa trên bối cảnh kinh tế trong nước, thế giới và của tỉnh Thừa Thiên – Huế, căn cứ trên sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này và các giả thiết.
Trong đó kịch bản trung bình (kịch bản chủ) có nhiều khả năng xảy ra nhất, với bình quân tăng trưởng GRDP từ 2021-2030 đạt khoảng 7,5% và GRDP bình quân đầu người đạt 5.800 USD vào năm 2030.
Để đạt được kịch bản này, theo nhóm nghiên cứu này thì ngoài những nỗ lực của tỉnh và phát huy những lợi thế có sẵn thì những yếu tố bên ngoài được giả thiết như:
Theo mục tiêu, giai đoạn 2026-2030 ngành dịch vụ chiếm 54 - 56% GRDP trong cơ cấu kinh tế Thừa Thiên - Huế. Trong ảnh là du khách đến tham quan Huế vào dịp đầu năm bằng đường hàng không
Kinh tế thế giới ổn định, không có biến động địa chính trị quá lớn ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, tốc độ tăng trưởng toàn cầu duy trì ở mức giảm nhẹ trung bình khoảng 3,5% giai đoạn 2021-2025 và 3% ở giai đoạn tiếp theo.
Kinh tế trong nước ổn định và ít bị tác động từ kinh tế thế giới. Chuyển đổi mô hình kinh tế có những bước chuyển biến tích cực, hiệu quả được nâng cao. Tận dụng và phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. "Phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên – Huế phát huy hiệu quả hướng đến tăng trưởng bền vững. Duy trì và đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và xây dựng, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh" – nhóm nghiên cứu đưa ra điều kiện.
Còn đối với kịch bản thứ 2 (kịch bản cao), theo nhóm tác giả này thì cũng có khả năng xảy ra với GRDP có thể đạt 8,25% và GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 có thể là 7.000 USD. Theo họ, dù khó xảy ra nhưng tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn có thể đạt được khi có những điều kiện thuận lợi từ kinh tế thế giới, trong nước và những đột phá của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Người lao động