MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 700 tỷ USD vào năm 2020 vì thương chiến"

10-10-2019 - 09:16 AM | Tài chính quốc tế

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đã được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập kỷ này ...

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 8/10, bà Kristalina Georgieva dự báo chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 700 tỷ USD, tương đương 0,8% GDP toàn cầu.

"Chúng tôi đã từng đề cập đến những nguy cơ của xung đột thương mại. Giờ đây, những xung đột này đang gây ra thiệt hại về kinh tế", bà Georgieva nói trong bài phát biểu mở đầu cuộc họp thường niên giữa IMF và Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Washington, Mỹ.

Bà Georgieva, thay thế bà Christine Lagarde làm giám đốc IMF từ 1/10, cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập kỷ này. Bà cho rằng đây là lý do các chính phủ cần phải "khai phóng hoả lực" về tài khoá để kiềm chế nợ công.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế dự kiến công bố vào tuần tới, IMF sẽ hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu lần thứ 5 kể từ tháng 10/2018. Hồi tháng 7, tổ chức này dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 3,5% vào năm 2020, theo tờ SCMP.

Phân tích mới của IMF cũng dự báo, nếu kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, khối nợ doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng lên 19.000 tỷ USD, tương đương gần 40% tổng nợ tại 8 nền kinh tế lớn - cao hơn thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10 năm trước, bà Georgieva cho biết.

Những dự báo của tân giám đốc IMF được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang bắt đầu một đợt cắt giảm lãi suất mới và nới lỏng các biện pháp tiền tệ trong năm nay. Tuy nhiên, bà Georgieva cảnh báo về những hạn chế của chính sách tiền tệ trước những rủi ro về tài chính, đồng thời thúc giục các chính phủ đẩy mạnh chính sách tài khoá.

"Lãi suất thấp có thể giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm ngân sách để chi tiêu. Nhưng đây không phải là giải pháp hiệu quả với tất cả", bà nói. "Trên toàn cầu, nợ công đã tiến gần ngưỡng kỷ lục. Đây là thời điểm các nền kinh tế còn dư địa trong ngân sách bắt đầu - hoặc chuẩn bị để - khai phá sức mạnh tài khoá".

Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những rạn nứt ngày càng lớn và những vết nứt này có thể gây thay đổi kéo dài cả một thế hệ, bao gồm, chuỗi cung ứng bị phá vỡ và "Bức tường Berlin kỹ thuật số", buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa các hệ thống công nghệ, bà Georgieva nhận định.

Bà cho rằng sẽ ngày càng nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi những xung đột này bởi vì các nền kinh tế đã trở nên kết nối mạnh mẽ trong hai năm qua.

Bà Georgieva kêu gọi các quốc gia giải quyết những mối quan ngại chính đáng liên quan tới hoạt động thương mại của mình, như giảm trợ cấp thương mại, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Ngay trước vòng đàm phán thương mại cấp cao, hôm thứ Hai (7/10), Mỹ đưa 28 đơn vị an ninh và doanh nghiệp của Trung Quốc vào "danh sách đen" thương mại với cáo buộc các đơn vị này vi phạm quyền của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Giới chức Mỹ nói rằng việc đưa các cơ quan và doanh nghiệp trên vào "danh sách đen" không có mối liên hệ nào với vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung dự kiến diễn ra trong tuần này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái này - được đưa ra vào một thời điểm rất nhạy cảm là ngay trước thềm đàm phán - cho thấy lập trường của Washington trong thương chiến kéo dài gần 1 năm rưỡi qua với Bắc Kinh đã trở nên cứng rắn hơn. Trước đó, giới thạo tin nói rằng Bắc Kinh chưa muốn đi đến một thỏa thuận thương mại trên diện rộng với Washington như mong muốn của Tổng thống Donald Trump.

Theo Ngọc Trang

VnEconomy

Trở lên trên