MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ phân mảnh

24-01-2024 - 07:44 AM | Tài chính quốc tế

Cùng với xung đột ở Biển Đỏ, việc kênh đào Panama cạn nước khiến vận tải hàng hóa khó khăn. Nguồn: Atlantic Council.

Cùng với xung đột ở Biển Đỏ, việc kênh đào Panama cạn nước khiến vận tải hàng hóa khó khăn. Nguồn: Atlantic Council.

Cảnh báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): Sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới có thể khiến tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu giảm 4,5% trong năm 2024.


Người phát ngôn của IMF, bà Julie Kozack cho biết, họ đã nhận thấy một số dấu hiệu ban đầu về chiến lược “giảm rủi ro” và sự phân mảnh trong nhiều dữ liệu được xem xét; trong khi các biện pháp hạn chế thương mại có xu hướng tăng lên.

Truyền thông quốc tế dẫn lời bà Kozack cho biết, đội ngũ chuyên gia của IMF “đã phát hiện nhiều chỉ dấu tiềm ẩn là lực cản đối với sự tăng trưởng”. Ở kịch bản “lạc quan”, GDP toàn cầu năm 2024 có thể giảm 1,8%. Với kịch bản “bi quan”, GDP toàn cầu có thể giảm 4,5%.

Chưa dừng lại, bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF còn cho rằng thiệt hại có thể lên đến 7% GDP toàn cầu nếu nền kinh tế thế giới “phân mảnh”.

Trong khi đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết, khoảng 3.000 biện pháp hạn chế thương mại đã được áp dụng vào năm 2023 trên khắp thế giới. Con số này gần gấp 3 lần số lượng được áp dụng vào năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nếu sự phân mảnh ngày càng sâu sắc, các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng nhiều, thế giới có thể rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới mà không rõ lối thoát.

Sự phân mảnh nền kinh tế toàn cầu, theo WTO, tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng có thể ảnh hưởng lớn hơn đến khả năng phục hồi và an ninh kinh tế mỗi nước, kể cả những nước giàu. Trả lời phỏng vấn CNN, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo, việc “cho phép” nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phân mảnh có thể khiến GDP toàn cầu thiệt hại rất nhiều, đồng thời khả năng hồi phục bị thu hẹp.

Trong một diễn biến liên quan, báo cáo được công bố tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) cho biết, biến đổi khí hậu đã làm giảm 6,5% GDP toàn cầu trong năm 2023. Các nước Nam Á và Nam Phi chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng, với mức tổn thất lần lượt lên tới 14,1% và 11,2% GDP.

TS James Rising (Đại học Delaware, Mỹ) cho rằng thế giới mất đi hàng nghìn tỷ USD vì biến đổi khí hậu, trong đó các nước nghèo chịu phần thiệt nhiều nhất. Nếu tính thiệt hại nói chung, không tính cụ thể trung bình số người, GDP toàn cầu giảm 1,8%, tương đương 1.500 tỷ USD, trong năm 2023.

Năm 2024 còn được dự báo kinh tế toàn cầu còn tiếp tục đối mặt với khó khăn về giá dầu mỏ. Ở thời điểm tuần thứ 3 của tháng 1, giá dầu mỏ giảm, ở mức trung bình 75 USD/thùng. Tuy nhiên, do những xung đột địa chính trị, khối các nước sản xuất dầu mỏ và liên minh (OPEC và OPEC+) cắt giảm sản lượng khai thác nên giá dầu mỏ sự báo sẽ tăng từ tháng 3/2024. Rất có thể nó sẽ “leo thang” trong 6 tháng cuối năm. Trong trường hợp giá dầu mỏ lên tới 100 USD/thùng thì kinh tế toàn cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Một khó khăn khác lại đến từ giao thương đường thủy. Vận tải đường thủy là yếu tố quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, các châu lục, góp phần quan trọng trong việc giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, khi xung đột ở Biển Đỏ nổ ra, tuyến hàng hải quan trọng này lập tức bị đe dọa. Số liệu của Phòng Vận tải quốc tế (ICS) cho thấy, với 12% thương mại hàng hóa của thế giới vận chuyển qua đây, Biển Đỏ là tuyến đường thủy quan trọng nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, hay từ châu Âu đến châu Á.

Giá cước vận tải đường biển trong vài tuần qua đã tăng tới 10.000 USD/container 40 feet khi các tàu container tìm cách tránh các cuộc tấn công ở Biển Đỏ và bắt đầu đi đường vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Động thái này đã chuyển hướng hơn 200 tỷ USD giá trị hàng hóa được vận chuyển từ tuyến vận tải biển huyết mạch sang nơi khác.

Đáng chú ý, xung đột ở Biển Đỏ cùng lúc đẩy giá cước vận tải hàng hoá bằng đường biển và hàng không tăng vọt, khiến dòng chảy thương mại toàn cầu ngày càng bị gián đoạn.

Cũng trong giao thông thủy, việc kênh đào Panama - tuyến đường thủy nhân tạo dài 82km ở Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và phân chia Bắc và Nam Mỹ, đang cạn nước do biến đổi khí hậu cũng khiến cho việc lưu thông hàng khóa khó khăn. Mỗi năm, lưu thông của kênh đào này vào khoảng 278,8 triệu tấn hàng hóa.

“Những khó khăn đó khiến cho kinh tế toàn cầu năm 2024 nhiều khả năng sẽ phân mảnh lớn hơn” - TS James Rising cảnh báo.

Khó khăn kéo dài dẫn đến siêu lạm phát, đồng tiền nội địa phá giá, Ngân hàng trung ương Argentina (BCRA) công bố sẽ phát hành tờ tiền mệnh giá lớn đưa vào lưu hành từ tháng 6/2024. Đó là tờ tiền có mệnh giá 10.000 peso (tương đương 12 USD) và tờ 20.000 peso (tương đương 24 USD). Tính tới thời điểm này, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất tại Argentina là tờ 2.000 peso (tương đương 2,45 USD). Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết, năm 2023, lạm phát ở nước này lên tới 211,4%; là quốc gia có mức lạm phát cao nhất khu vực Mỹ Latinh, cao hơn cả Venezuela (193%).

Theo Thanh Đức

Đại Đoàn Kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên