MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

25 chuyên gia phác thảo 4 kịch bản tương lai quan hệ Mỹ - Trung Quốc: Mọi thứ đều ảm đạm

23-01-2024 - 22:22 PM | Tài chính quốc tế

Tờ Business Insider đưa tin, theo kết quả nghiên cứu mới đây của một nhóm gồm 25 chuyên gia về cả hai nước, tương lai của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc được cho là ảm đạm.

Tổ chức phi lợi nhuận PAX sapiens có trụ sở tại Colorado, Mỹ - đơn vị tổ chức nghiên cứu - cho biết, nghiên cứu tổng hợp các học thuyết từ các cựu quan chức cấp cao trong chính quyền các cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump, các nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và các học giả của cả hai nước.

Các chuyên gia đã phác thảo 4 kịch bản chính và hợp lý có thể xảy ra với mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc vào năm 2035.

Tờ Business Insider nhận định, đáng chú ý là không có kịch bản nào trong số này bao gồm điều mà nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hy vọng: một giấc mơ về tăng trưởng chung có thể trở thành hiện thực trong bối cảnh mối quan hệ đang tan băng thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Theo nghiên cứu, hiện đang tồn tại một thực tế khác so với những năm 1980. Mỹ đang coi Trung Quốc là mối đe dọa phá vỡ các quy tắc của trật tự thế giới, và Bắc Kinh cho rằng Washington đang cố gắng kìm hãm sự trỗi dậy của mình.

Kịch bản 1: Đối đầu "nóng"

Nếu chiến tranh xảy ra, nghiên cứu của PAX cho rằng xung đột có thể bùng phát trên đảo Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu những năm 2030.

Các chuyên gia đã liệt kê dòng thời gian của chuỗi các sự kiện giả thuyết được nêu ra, bao gồm các điểm nóng có thể dẫn đến xung đột trực tiếp khi kết hợp lại.

Conor Seyle - phó chủ tịch điều hành tại PAX sapiens và một trong những người tổ chức nghiên cứu - cho biết trong cuộc họp báo hôm 19/1: "Đây không phải là trường hợp một sự kiện leo thang hay một cuộc khủng hoảng nào vượt khỏi tầm kiểm soát."

"Thay vào đó, kịch bản chiến tranh là kịch bản gia tăng khủng hoảng dẫn đến mất lòng tin vào các giải pháp ngoại giao ngày càng tăng", ông nói.

Khi niềm tin bị phá vỡ, một loạt rủi ro như tàu hải quân Mỹ và Trung Quốc va chạm hoặc đụng độ có thể sẽ đẩy cả hai nước vào một cuộc chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, kịch bản không đi xa đến mức dự đoán chiến tranh hạt nhân.

Kịch bản 2: Mỹ - Trung Quốc dẫn dắt các khối riêng biệt trên thế giới

Theo kịch bản này, thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào cuối thập niên 2020, với sự cạnh tranh ngày càng tăng về trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử và các công nghệ khác.

Khi cả hai bên áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu hơn đối với nhau, các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương có thể hợp tác với Washington, trong khi BRICS – khối liên quan đến Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Ả Rập Saudi – phát triển công nghệ riêng của họ.

Nghiên cứu đưa ra giả thuyết: "Các chế độ công nghệ song song, có tường lửa và không tương thích sẽ ngăn cản lẫn nhau, và trong một số trường hợp, ngăn cản giao tiếp giữa các khối."

Nghiên cứu cho biết thêm, các cuộc chiến ủy nhiệm liên quan đến những tổ chức cực đoan tôn giáo hoặc khủng bố có thể trở nên thường xuyên hơn, trong khi khu vực Mỹ Latin và Châu Phi trở nên chia rẽ về việc họ nên đứng về phía ai.

Nghiên cứu cho biết, một yếu tố tích cực của kịch bản này là công nghệ xanh có thể phát triển mạnh mẽ do nhu cầu cấp thiết về năng lượng lớn hơn.

Nhưng nhìn chung, kết quả sẽ là "sự sụp đổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)" "lực cản tiêu cực đối với tăng trưởng GDP toàn cầu" trong "trò chơi có tổng bằng 0 (tức một bên được còn bên kia mất)" giữa Washington và Bắc Kinh. Các chuyên gia cho biết, mối đe dọa xung đột cũng sẽ kéo dài đến năm 2035.

25 chuyên gia phác thảo 4 kịch bản tương lai quan hệ Mỹ - Trung Quốc: Mọi thứ đều ảm đạm - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tham dự Đối thoại bàn tròn các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Châu Phi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại Johannesburg, Nam Phi, vào ngày 24/8/2023. Ảnh: AP

Kịch bản 3: Mỹ - Trung Quốc từ chối hợp tác

Nghiên cứu cho biết, cũng có thể xảy ra tình trạng đối đầu vào năm 2035 nhưng liên lạc và hợp tác giữa hai nước có thể trở nên tồi tệ hơn.

Kịch bản này dự đoán điều gì sẽ xảy ra khi có hai điều kiện tiên quyết: Trung Quốc củng cố sự hiện diện của mình như một cường quốc thương mại toàn cầu, đủ để Châu Âu tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, và Mỹ giảm bớt các chuyến thăm cũng như hỗ trợ tích cực cho Đài Loan (Trung Quốc).

Nhưng cả hai nước sẽ cáo buộc nhau vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Mỹ sẽ nói rằng Trung Quốc sử dụng nguồn lực nhà nước để tạo ra sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường; trong khi Trung Quốc nói rằng Mỹ cũng làm như vậy và áp đặt tiêu chuẩn kép.

Nghiên cứu cho biết, Bắc Kinh và Washington có thể tìm cách tránh chiến tranh bằng cách thể hiện sự kiềm chế cơ bản, nhưng không có gì hơn thế.

Nghiên cứu nhận định, nếu không có thỏa thuận chung hoặc các nguyên tắc chỉ đạo để duy trì mối quan hệ của họ, Mỹ và Trung Quốc có thể "đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác bằng những phản ứng đặc biệt, hầu như không thể ngăn chặn được sự leo thang".

Kịch bản 4: Mỹ - Trung Quốc duy trì liên lạc thường xuyên trong bối cảnh nền kinh tế hai nước dần tách rời

Có lẽ điều thú vị nhất trong những kịch bản này là ý tưởng rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tách rời nền kinh tế của họ một cách chậm rãi và có tính toán theo cách tránh hiểu lầm hoặc chiến tranh.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng, trong kịch bản này, "rõ ràng là các nguyên lý chính của mối quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc sau những năm 1980 đã bị phá vỡ".

Theo nghiên cứu, cả hai quốc gia có thể bắt đầu nhấn mạnh đến khả năng tự lực, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế của mình để có thể hoạt động mà không cần đến nước kia. Những người chiến thắng có thể là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở Mỹ Latin, Châu Phi và Đông Nam Á, với nguồn nguyên liệu thô và lực lượng lao động được cả Mỹ và Trung Quốc thèm muốn.

Tuy nhiên, trong kịch bản này, bất cứ khi nào xảy ra khủng hoảng nhỏ, hai nước vẫn duy trì các kênh liên lạc thường xuyên để tránh leo thang căng thẳng.

Nghiên cứu cho biết: "Nhưng ngay cả với quan điểm can thiệp có chọn lọc, mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương trước những biến động chính trị ở cả hai nước, điều có thể dễ dàng dẫn đến mối quan hệ xấu đi nhanh chóng và căng thẳng leo thang nguy hiểm."

Ông Conor Seyle nhấn mạnh rằng, nghiên cứu này không đưa ra các dự báo mà đưa ra các kịch bản lý thuyết nhắm vào các lĩnh vực cần quan tâm một cách khái quát.

Ông Seyle nói: "Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này vào thời điểm mọi người đang bi quan về triển vọng của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc hiện tại."

Theo Hữu Hiển

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên