MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc đón tin vui đầu năm

03-01-2017 - 10:22 AM | Tài chính quốc tế

Theo số liệu vừa được tạp chí Tài Tân và Markit Economics công bố sáng nay (3/1), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12 của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 1/2013.

Chỉ số PMI tháng 12 đạt mức 51,9 điểm, so với mức 50,9 điểm của tháng 11. Là chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của một nền kinh tế, được tính toán dựa trên khảo sát thực hiện trên các giám đốc mua hàng của hàng trăm công ty, chỉ số PMI cao hơn mốc 50 điểm có nghĩa là hoạt động sản xuất được mở rộng, trong khi dưới mức 50 điểm là hoạt động sản xuất bị thu hẹp.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc công bố chỉ số PMI chính thức đạt 51,4 điểm trong tháng 12, giảm nhẹ so với mức 51,7 điểm của tháng trước.

Chỉ số PMI chính thức tập trung vào các công ty lớn hơn, trong khi chỉ số của Tài Tân tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chỉ số PMI tăng trưởng tốt thể hiện nền kinh tế đại lục đang dần ổn định trở lại. Tuy nhiên dù PMI là chỉ số được theo dõi sát sao hơn, vì Trung Quốc đang chuyển từ mô hình kinh tế dựa vào sản xuất và đầu tư sang tiêu dùng, khu vực dịch vụ (gồm những ngành như bán lẻ, giải trí và bất động sản) mới là trụ cột của nền kinh tế. Chỉ số tiêu dùng sẽ là thước đo chính xác hơn vì hiện nay tiêu dùng đóng góp hơn 50% GDP của Trung Quốc.

Với khối nợ khổng lồ, sức khỏe của kinh tế Trung Quốc đang khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên trong những tháng gần đây nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang được hỗ trợ bởi sự khởi sắc của thị trường bất động sản.

Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ cũng là một mối đe dọa đối với nền kinh tế hướng về xuất khẩu này. Trump đã nhiều lần buộc tội Trung Quốc bóp méo đồng nhân dân tệ để làm lợi cho xuất khẩu và dọa sẽ áp thuế 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong bài viết mới nhất đăng trên trang Twitter cá nhân, Trump nói rằng “Trung Quốc đang đưa một lượng tiền bạc của cải lớn ra khỏi nước Mỹ, thông qua con đường thương mại một chiều”.

Tuy nhiên theo khảo sát của Tài Tân, số đơn hàng mới đang ở mức trung lập 50 điểm, với 90% các doanh nghiệp được hỏi cho biết hoạt động kinh doanh ở nước ngoài không có gì thay đổi.

Chưa thể khẳng định hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể hồi phục một cách bền vững hay không. Theo tiến sĩ Zhengsheng Zhong, chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô tại CEBM, vẫn còn quá sớm để khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đã ổn định bởi không biết chỉ số giá tiêu dùng có tăng trưởng bền vững hay không.

Tú Anh

CNBC

Trở lên trên