MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc đón 'tin vui', động lực tăng trưởng xuất hiện 'dồn dập' chỉ trong 1 tháng

15-11-2023 - 14:08 PM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc đón 'tin vui', động lực tăng trưởng xuất hiện 'dồn dập' chỉ trong 1 tháng

Theo số liệu mới công bố, hoạt động chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng vượt dự báo trong tháng 10.

Theo số liệu mới công bố, hoạt động chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng vượt dự báo trong tháng 10. Điều này mang lại động lực cần thiết cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách cân nhắc thực hiện nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy đà hồi phục trước thềm năm mới.

Cụ thể, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, doanh số bán lẻ tháng 10 tăng 7,6% so với 1 năm trước, cao hơn dự báo một phần là do mức nền thấp của năm 2022. Tháng 10 cũng là thời điểm diễn ra kỳ nghỉ Tuần lễ vàng kéo dài 1 tuần. Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng tăng 4,6%, cao hơn dự báo.

Dẫu vậy, một số lĩnh vực khác lại cho thấy những con số không mấy khả quan. Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 2,9% trong 10 tháng đầu năm nay, thấp hơn dự báo và so với giai đoạn 9 tháng đầu năm. Đà sụt giảm ngày càng lớn trong hoạt động đầu tư bất động sản đã ảnh hưởng đến lĩnh vực nói trên.

Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Union Bancaire Privee, nhận định: “Kinh tế Trung Quốc dường như đã tránh được mối lo ngại về đợt sụt giảm kéo dài.”

Ông cho biết rằng vẫn có một số yếu tố kém lạc quan, lưu ý đến lực cản trong đầu tư bất động sản và nói thêm các chiến lược nhằm tái cơ cấu nợ trong lĩnh vực này sẽ mất vài năm để giải quyết. Theo ông, Bắc Kinh vẫn cần đưa ra sự hỗ trợ về chính sách để ổn định tâm lý trong nước và cả nhu cầu nhà ở.

Kinh tế Trung Quốc đón 'tin vui', động lực tăng trưởng xuất hiện 'dồn dập' chỉ trong 1 tháng - Ảnh 1.

Dù nền kinh tế đã cho thấy chuyển biến tích cực trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, song các chỉ báo gần đây lại cho thấy động lực và nhu cầu dần suy yếu, khi bước vào quý cuối năm. Các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc đang sụt giảm và tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ chậm lại. Hoạt động xuất khẩu cũng kém khả quan, tình trạng giảm phát xảy ra, cùng với đó là hoạt động đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp diễn ra ảm đạm.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang đưa ra các bước để kích thích nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm việc thông qua sửa đổi ngân sách giữa năm và phê duyệt khoản phát hành trái phiếu chính phủ 1 nghìn NDT để đầu tư cơ sở hạ tầng hồi tháng trước.

Ngay trước khi số liệu mới được công bố, PBOC đã thực hiện động thái bơm nhiều tiền mặt chưa từng có kể từ năm 2016 thông qua các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) để hỗ trợ đà tăng trưởng.

Chưa dừng ở đó, Bắc Kinh cũng có kế hoạch cung cấp ít nhất 1 nghìn tỷ USD các khoản vay chi phí thấp để tài trợ cho các dự án cải tạo đô thị và nhà ở giá rẻ qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản.

Kinh tế Trung Quốc đón 'tin vui', động lực tăng trưởng xuất hiện 'dồn dập' chỉ trong 1 tháng - Ảnh 2.

Sau khi công bố số liệu mới, NBS nhấn mạnh sự cải thiện của các chỉ báo chính, đồng thời nói thêm rằng nền kinh tế về tổng thể đang ổn định. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý những thách thức từ bên ngoài và nhu cầu trong nước vẫn còn yếu, do đó “nền tảng của đà hồi phục vẫn cần được củng cố”.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Theo Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd., doanh số bán lẻ tháng 10 với tốc độ tương tự so với tháng 9 và chỉ ra nhu cầu trong nước vẫn còn yếu.

Jacqueline Rong, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại BNP Paribas, nhận định hoạt động tiêu dùng của Trung Quốc vẫn chưa thực sự lạc quan, do tâm lý tiêu dùng ảm đạm và tác động của thị trường bất động sản.

Dẫu vậy, Rong cho biết số liệu này thể hiện rõ rằng Trung Quốc “chắc chắn đang trong giai đoạn kinh tế dần hồi phục” và chỉ ra Trung Quốc có thể vượt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.

Đối với các nhà đầu tư và nhà phân tích, họ đang chú ý nhiều hơn đến động lực thực sự của nền kinh tế và các triển vọng dài hạn hơn. Đà sụt giảm của lĩnh vực bất động sản, dân số già hoá và tốc độ tăng trưởng thấp trong hoạt động kinh doanh vẫn là mối lo ngại lớn nhất.

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên