Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh
Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đạt tốc độ tăng trưởng 6,8% trong quý 1/2018...
- 16-04-2018Ngân hàng không nhân viên đầu tiên tại Trung Quốc
- 15-04-2018Mỹ chưa thể sớm áp thuế với hàng Trung Quốc
- 11-04-2018Trung Quốc gỡ bỏ hàng loạt rào cản ngành tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, đạt tốc độ tăng trưởng 6,8% trong quý 1/2018, theo đó nâng đỡ tăng trưởng toàn cầu và tạo dư địa để Bắc Kinh thúc đẩy các chính sách giảm nợ.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng 17/4 cho biết tổng sản lượng trong nước (GDP) của nước này tăng 6,8% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức tăng của quý 4/2017 và bằng dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Nhu cầu nội địa được xem là một nguồn động lực quan trọng cho sự tăng trưởng này của nền kinh tế Trung Quốc. Doanh thu bán lẻ tháng 3 của Trung Quốc tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017, so với mức dự báo tăng 9,7%.
Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp chỉ tăng 6% trong tháng 3, so với mức dự báo tăng 6,3%. Đầu tư tài sản cố định tăng 7,5% trong quý 1. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 5,1% vào thời điểm cuối tháng 3.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế vững vàng, Chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực củng cố sự ổn định tài chính - một trong những mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh bên cạnh giảm nghèo và chống ô nhiễm.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là nguồn động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu, và đổi lại, kinh tế toàn cầu đi lên kéo theo nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trong lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng đặc biệt mạnh, với mức tăng 35,4% trong quý 1. Ngoài ra, đầu tư vào bảo vệ và làm sạch môi trường cũng tăng 34,2% trong quý đầu năm.
Giới phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể gặp một số trở ngại trong những tháng tới, khi Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát rủi ro tài chính hoặc nếu căng thẳng thương mại Trung-Mỹ có những bước leo thang mạnh.
Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho rằng hoạt động đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể giảm trong 6 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, UBS cho rằng, đầu tư tăng vào ngành chế tạo, tiêu dùng tăng trưởng tốt, và nhu cầu vững của thị trường bên ngoài sẽ giúp hạn chế bớt những ảnh hưởng bất lợi đối với kinh tế Trung Quốc.
"Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2018, dù tăng trưởng có giảm tốc nhẹ trong 6 tháng cuối năm", ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc ngân hàng ANZ, nhận xét. "Sự tăng trưởng này tạo điều kiện để Trung Quốc giải quyết một số vấn đề cơ cấu, nhất là giảm nợ".
VnEconomy