Kinh tế trưởng MBS: Đầu tư phải mang tính chọn lọc, các yếu tố về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường
Theo ông Hoàng Công Tuấn, hoạt động đầu tư ngắn hạn và tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn chỉ nên dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư mới nên đi theo con đường mang tính dài hạn hơn, bền vững hơn sẽ tránh được những yếu tố sốc như vừa rồi.
Trao đổi trong Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS) đã có những chia sẻ về những yếu tố tốt hỗ trợ cho thị trường. Hơn nữa, chuyên gia đưa ra lời khuyên để lựa chọn những cổ phiếu nền tảng kinh doanh tốt, hiệu quả trong dài hạn.
Theo ông Tuấn, kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đang là bệ đỡ tốt cho thị trường chứng khoán. Thời gian gần đây, đã có những thời điểm chỉ số VN-Index giảm xuống 18% so với đỉnh, hiện P/E của thị trường đã rơi về tầm 14,9 lần, thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình 5 năm. Từ góc nhìn của chuyên gia, ông chia sẻ khi môi trường đầu tư có quá nhiều F0 thì đôi khi thị trường dao động do yếu tố tâm lý là chủ yếu, thực tế môi trường kinh tế vĩ mô vẫn đang khá thuận lợi.
Chuyên gia MBS chia sẻ: "Chúng ta đang phục hồi một cách mạnh mẽ sau đại dịch Covid 19. Về các cân đối vĩ mô như là lạm phát, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán thì hiện nay đều đang diễn biến ở mức độ tích cực. Tất cả những nhịp điều chỉnh hay những nhịp giảm của thị trường đều là tạm thời. Nếu chúng ta có góc nhìn dài hạn hơn chúng ta sẽ thấy rằng là thị trường chứng khoán vẫn đang đi lên và có sự tăng trưởng qua từng năm."
Quá trình tăng lãi suất hiện tại là bình thường hóa trong trạng thái siêu nới lỏng và trở về trạng thái bình thường
Thảo luận về các yếu tố từ bên ngoài như: lãi suất tăng, lạm phát hay giá dầu tăng.. dòng tiền nước ngoài sẽ thu hẹp vào Việt Nam, Kinh tế trưởng MBS cho rằng điều này đúng trên phương diện lý thuyết. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã hoạt động tích cực trở lại và mua ròng đáng kể trong khoảng ba tuần gần đây với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Các động thái của các cơ quan quản lý, thanh lọc thị trường ông Tuấn cho rằng là hết sức nghiêm túc và cần thiết. Trên phương diện vừa là một nhà đầu tư và cũng là một chuyên gia chuyên đi tư vấn cho các quỹ đầu tư nước ngoài, ông Tuấn chia sẻ rằng NĐT nước ngoài đánh giá rất cao mức độ minh bạch của thị trường, là điều hết sức quan trọng trong việc quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Trước những thay đổi của chính sách tiền tệ, chuyên gia MBS cho biết chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương cũng luôn có sự tác động đến thị trường chứng khoán. Những năm 2020 và 2021, các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với mức lãi suất siêu thấp và bơm một lượng tiền rất lớn vào thị trường, cũng như vào nền kinh tế.
Bởi vậy, quá trình tăng lãi suất hiện tại là quá trình bình thường hóa ở trong trạng thái siêu nới lỏng và trở về trạng thái bình thường, tránh việc NĐT có tâm lý bi quan quá lớn khi cho rằng Ngân hàng Trung ương trên thế giới hoặc ở Việt Nam có sự thắt chặt tiền tệ. Đối với Mỹ hay Âu Châu, Anh Quốc hay là Hàn Quốc quá trình này là tất yếu, áp lực lạm phát của họ đang hiện nay đang cao.
Tuy nhiên, ông Tuấn lại có cái nhìn lạc quan hơn về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời điểm này nền kinh tế không chịu quá nhiều áp lực về việc phải tăng lãi suất, nếu có thì có thể câu chuyện đó sẽ phải là câu chuyện của cuối năm.
Bên cạnh đó, nếu dựa trên khối lượng giao dịch, Việt Nam đã xứng đáng được vào Emerging market từ lâu. Ông Tuấn cho rằng “Thị trường chứng khoán Việt Nam giống như một võ sĩ hạng trung, nhưng vẫn phải đang đấu ở hạng nhẹ”, với sự thúc đẩy của Chính phủ cũng như quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, có thể một hai năm nữa Việt Nam sẽ vào Emerging market.
Đầu tư phải mang tính chọn lọc hơn: Chọn được những công ty tốt, năng lực tăng trưởng về lợi nhuận tốt và giá cổ phiếu phải hợp lý
Trong năm 2020 và 2021 thì yếu tố dòng tiền rẻ đã hỗ trợ thị trường chứng khoán rất lớn. Ngoài ra, do mặt bằng lãi suất đi xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân chuyển một phần lượng tiền tiết kiệm của họ sang kênh đầu tư chứng khoán, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Trong năm 2022, kinh tế trưởng MBS đánh giá yếu tố dòng tiền rẻ sẽ bị phai nhạt dần, nền kinh tế đã quay trở lại và tăng trưởng trở lại. Do đó các cơ hội về kinh doanh ở các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực chứng khoán nó sẽ tăng cao trở lại. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã phải tăng lãi suất huy động, mặc dù chưa tăng trở lại mức trước dịch nhưng đã tăng lên đáng kể. "Chúng ta thấy rằng chỉ có các yếu tố mang tính cơ bản vĩ mô và các yếu tố về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho thị trường", ông kết luận.
Song song, chuyên gia lạc quan về thị trường chứng khoán trong dài hạn và lưu ý các nhà đầu tư trong năm nay đầu tư phải mang tính chọn lọc hơn, chọn lựa được những công ty tốt, có năng lực tăng trưởng về lợi nhuận tốt và đặc biệt là giá cổ phiếu cũng phải ở mức độ hợp lý.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, hoạt động đầu tư ngắn hạn và tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn chỉ nên dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư mới nên đi theo con đường mang tính dài hạn hơn và bền vững hơn sẽ tránh được những yếu tố sốc như vừa rồi.
"Chúng ta thấy những mã cổ phiếu ở trong hệ sinh thái, ví dụ của FLC hay là của hệ sinh thái Louis chẳng hạn, đã giảm đến 60%, 70% so với mức đỉnh, đây là câu chuyện rất khốc liệt", ông Tuấn chia sẻ thêm.