MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế tư nhân phải đối mặt với nhiều thách thức, thiệt thòi

Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tới 40% GDP cho nền kinh tế, thế nhưng sự phát triển của khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản.

Mặc dù có mặt trên thương trường từ 8 năm qua, với nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như các nước Châu Âu với các mặt hàng thảo dược, nông sản…, thế nhưng, theo bà Vũ Thị Vân Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietrap đầu tư và thương mại, việc tiếp cận với nguồn vốn của các ngân hàng là vấn đề hết sức khó khăn do doanh nghiệp không thể chứng nhận được tài sản đảm bảo. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải chủ động nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đây là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp đang có mặt trên thị trường.

“Ngân hàng thiếu niềm tin đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, ngoài những vướng mắc, loay hoay của việc tiếp cận vốn từ ngân hàng của khối doanh nghiệp tư nhân nói chung thì với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp còn phải chịu nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thị trường sản phẩm không ổn định. Cùng với đó là doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo để thế chấp cho ngân hàng, doanh nghiệp phải chủ động về nguồn vốn đầu tư, đây là thiệt thòi rất lớn cho doanh nghiệp”, bà Vũ Thị Vân Phương chia sẻ...

Kinh tế tư nhân phải đối mặt với nhiều thách thức, thiệt thòi - Ảnh 1.

Phát triển kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều rào cản.


Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam cho rằng, hiện, nước ta có đến trên 90% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thị trường, tín dụng, mặt bằng... Cùng với đó là vấn đề quản trị, quản lý tiếp cận các phương thức mới của thế giới…, các đối tượng doanh nghiệp này không có tiềm lực để quan tâm, chú trọng tập trung phát huy, khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu năng lực cạnh tranh còn ít, công nghệ lạc hậu, nguồn lực và tài lực vẫn còn hạn chế… Do đó, đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp nước ta “chậm lớn” và rất khó lớn.

“Quy mô của doanh nghiệp nhỏ và vừa khá nhỏ so với thế giới nên công nghệ lạc hậu, các nguồn lực, tài lực cũng rất hạn chế. Doanh nghiệp phải xác định tuân thủ pháp luật, phải nắm bắt được tinh thần hội nhập. Chính vì thế để định vị được mình thì doanh  nghiệp cần có chiến lược kinh doanh bài bản”, ông Nguyễn Quang Huân bày tỏ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng phân biệt đối xử, cơ chế “xin cho” đang tạo ra nhiều rào cản trong việc phát triển đối với cả khu vực tư nhân lẫn khu vực Nhà nước. Cùng với đó là nhận thức về kinh tế tư nhân vẫn chậm thay đổi, không định hướng phát triển các thị trường và lực lượng thị trường đúng nghĩa.

Theo ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bức tranh chung về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế trong nước vẫn có nhiều mảng tối, khiếm khuyết, mô hình tăng trưởng đang dần hết dư địa… Do đó, cần tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển.

“Khu vực kinh tế tư nhân mặc dù được coi là quan trọng nhưng đóng góp thực của doanh nghiệp còn hạn chế và nguyên nhân chủ yếu là do môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa được cải thiện căn bản. Các vấn đề thế giới và trong nước cho thấy, chúng ta phải quyết liệt trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú ý đến hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cải thiện cho động lực tăng trưởng cho kinh tế tư nhân”, ông Bùi Quang Tuấn nói.

Để doanh  nghiệp tư nhân bứt phá, phát triển, yêu cầu đặt ra là phải coi kinh tế tư nhân là lực lượng, động lực phát triển cơ bản của nền kinh tế thị trường và phải được áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng trong các chính sách, cơ chế quản lý và ứng xử.

Mặt khác, các doanh nghiệp tư nhân cũng phải quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản, nâng cao khả năng thích ứng với thị trường, phát triển những thế mạnh của mình nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt, cần bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu  cũng  như phát huy thế mạnh của cuộc cách mạng 4.0./.

Theo Thu Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên