Kinh tế tư nhân sẽ khởi sắc từ Nghị quyết Trung ương 5?
Để kinh tế tư nhân khởi sắc, trước hết phải có sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau.
- 12-05-2017Kinh tế tư nhân: Sẽ có những đột phá như thế nào?
- 11-05-2017Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước
- 09-05-2017Hội nghị Trung ương 5: Thủ tướng điều hành phiên họp về kinh tế tư nhân
Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng doanh nghiệp của cả nước, nhưng lâu nay, doanh nghiệp tư nhân vẫn đang bị lép vế trước doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 của Đảng vừa qua đã xác định: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Đây được xem là quan điểm rất tích cực trong đổi mới về tư duy phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách bền vững.
Kinh tế tư nhân bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc (Ảnh minh họa: KT)
Theo các chuyên gia kinh tế, Hội nghị Trung ương 5 bàn và nhấn mạnh những vấn đề không được xem là mới, nhưng lại có tính hệ thống, đó là xác định vai trò, vị trí của kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân đặt trong điều kiện hội nhập với kinh tế thế giới. Việc Đảng xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước đã khẳng định tầm quan trọng của thành phần kinh tế này, mở ra cách nhìn mới rất cụ thể về kinh tế tư nhân với mục đích phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước.
Để kinh tế tư nhân phát triển theo đúng quỹ đạo mà nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đề ra rất nhiều điều cần bàn. Bởi lâu nay, kinh tế tư nhân mặc dù có những bước đột phá trong tiến trình phát triển chung, nhưng trên thực tế vẫn bộc lộ ra nhiều hạn chế, đó là: Yếu về năng lực quản lý và thiếu vốn. Chính vì vậy mà doanh nghiệp tư nhân ra đời rất nhiều, nhưng phá sản cũng không ít.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, con số thực chất về doanh nghiệp đang tồn tại, phát triển và có đóng thuế của cả nước hiện chỉ khoảng trên 300.000, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 180.000 doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp ra đời và phá sản vì quá yếu không thể cạnh tranh phát triển được đó cũng là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều bộ luật, thông tư, nghị định và đặc biệt là Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được triển khai tạo nên những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Song nhiều doanh nghiệp cho rằng: Chính sách của nhà nước rất tốt, nhưng khi đến với doanh nghiệp và cơ quan thực thi thì phải mất khoảng thời gian khá lâu. Không những thế, chính các cơ quan chức năng với những thủ tục rắc rối và sự thiếu thiện chí của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước chính là lực cản cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ,Chủ tịch Hội đồng quản tri Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu N.P.T cho rằng, Chính sách ở TW cải tổ rất nhiều, đặc biệt là rất quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu chính sách đó và không phải cơ quan nhà nước ở địa phương nào cũng vận dụng những chính sách đó để hỗ trợ cho doanh nghiệp, chưa vận dụng những chính sách có lợi cho doanh nghiệp.
Việc coi trọng kinh tế tư nhân đã mở ra kỳ vọng mới cho mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh, để kinh tế tư nhân phát triển đúng thực chất thì không nên đặt số lượng doanh nghiệp lên trên mà nên coi trọng chất lượng. Cần xóa bỏ ngay những bất bình đẳng trong cách tính thuế giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với hộ kinh doanh cá thể. Bởi vì bài học kinh nghiệm từ cơ chế hai giá là một sai lầm và đã phải bãi bỏ.
Do đó, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, điều cần thiết là cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch cho các doanh nghiệp cùng hoạt động một cách bình đẳng.
Để doanh nghiệp phát triển từ bước khởi nghiệp ban đầu đến lúc hoạt động ổn định không thể để doanh nghiệp tự bơi mà cần có những hỗ trợ thiết thực. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: "Hỗ trợ ở đây không phải là hỗ trợ bằng tài chính mà là hỗ trợ bằng con người, bằng thù tục hành chính, bằng cải cách hành chính. Hỗ trợ bằng việc là chúng ta cùng với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, ách tắc của doanh nghiệp hiện nay, hình thành nên các tổ, các ban, các trung tâm để giúp doanh nghiệp xúc tiến đầu tư cũng như xúc tiến thương mại".
Điều quan trọng nữa là, xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhưng trong nhiều lĩnh vực quan trọng cần tạo điều kiện để kinh tế tư nhân cùng tham gia hợp tác thực hiện những phần việc mà doanh nghiệp nhà nước không làm, qua đó giúp doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển.
Một vấn đề nữa mà các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà hoạch định chính sách đưa ra đối với kinh tế tư nhân, đó là phải có sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau. Buôn có bạn, bán có phường, nếu doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn cứ tư duy mạnh ai nấy làm, không chủ động liên kết cùng nhau phát huy nội lực để vươn ra biển lớn thì sẽ mãi không bao giờ có được những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn và hùng mạnh như các nước trên thế giới./.
VOV