Nông thôn mới tiếp tục là động lực phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 25/4 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2024.
- 23-04-2024Gỡ vướng trong hút vốn đối với khu vực kinh tế tập thể
- 23-04-2024Tỉnh miền núi sắp đón dòng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng: Tình hình kinh tế phát triển ra sao?
- 22-04-2024Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: Làm rõ mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh, thời gian còn lại của giai đoạn 2021-2025 không nhiều, trong khi khối lượng các mục tiêu, nhiệm vụ cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành là rất lớn. Do đó, ngay trong năm 2024 - năm tăng tốc của giai đoạn, chúng ta cần phải có những giải pháp chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn.
"Chúng ta khẳng định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục là mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, từng bước xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, Thứ trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Sau 3 năm thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các cấp từ trung ương đến địa phương, đặc biệt, là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới theo hướng hiện đại và đồng bộ; tư duy kinh tế nông nghiệp bước đầu lan tỏa, tác động vào quá trình phát triển kinh tế ở nông thôn; môi trường, cảnh quan nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...
Đến tháng 4/2024, hệ thống cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được ban hành, điều chỉnh đầy đủ, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phù hợp hơn với điều kiện thực tế và điều kiện đặc thù của các vùng miền, cơ bản tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương thực hiện.
Đến nay, cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó; có 1.860 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 340 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 283 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, đã có 03 huyện (gồm: Tiên Yên, Đầm Hà của tỉnh Quảng Ninh; Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, có 5 tỉnh (gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, điểm mới giai đoạn 2021 - 2025, đó là việc song song với ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chương trình chuyên đề. Đến nay, các chương trình chuyên đề đã hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả bước đầu, nhất là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, các giá trị bản địa của các vùng, miền, địa phương; khơi dậy tư duy sáng tạo, đổi mới, truyền tải được những giá trị văn hóa truyền thống, hồn cốt của dân tộc trong từng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng “tích hợp đa giá trị”.
Hiện nay, cả nước đã có 12.075 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; trong đó, có 42 sản phẩm đã được công nhận 5 sao cấp quốc gia. Chất lượng, độ tin cậy của các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là ở cơ sở, cũng còn một số vướng mắc, hạn chế cần phải tháo gỡ, một số vấn đề mới nảy sinh...
Tại hội nghị các đại biểu cũng tập trung phân tích, những mặt được, những mặt chưa được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần kịp thời khắc phục, giải quyết; đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, nhất là các tỉnh hiện nay chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện còn “ trắng xã nông thôn mới”, hơn 1.500 xã đến nay còn dưới 15 tiêu chí; phương án thực hiện xây dựng nông thôn mới đối với các địa phương phải thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính...; cơ chế khuyến khích các xã khu vực II, khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương còn rất hạn chế...
Các đại biểu cũng đề cập tới tiến độ triển khai các chương trình chuyên đề, đặc biệt là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương hiện nay rất chậm. Cần xác định rõ nguyên nhân, giải pháp xử lý, khắc phục. Đến nay, đã có một số huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Vậy, trong thời gian tới, cần có định hướng nội dung, tiêu chí, cách thức xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của từng vùng, miền?.
Theo ông Ngô Trường Sơn, các sản phẩm OCOP trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng nhanh về số lượng, theo đó, đã đặt ra một số vấn đề cần quan tâm nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt đảm bảo phát triển bền vững, thực sự phát huy được những tiềm năng, lợi thế của các địa phương và vùng, miền gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Du lịch nông thôn đã được quan tâm, chú trọng để phát triển tương xứng với tiềm năng, dư địa của các địa phương hay chưa? Môi trường, an toàn thực phẩm và nước sạch là những vấn đề còn bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn, tuy nhiên, đến nay mức độ đầu tư, hỗ trợ của các địa phương vẫn còn rất hạn chế. Vậy, nguyên nhân ở đâu...
Những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất, hiệu quả và bền vững... Tại hội nghị các địa phương đã đóng nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp để thực hiện Chương trình ngày càng chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Báo tin tức