MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế và ngành dệt may Bangladesh - đối thủ cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam - đáng gờm thế nào?

Kinh tế và ngành dệt may Bangladesh - đối thủ cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam - đáng gờm thế nào?

Số nhà máy lọt top 100 bền vững nhất thế giới của Bangladesh cao gấp 5 lần Trung Quốc, trong đó, chủ yếu là các nhà máy dệt may.

Bangladesh đang nổi lên như một thị trường năng động, phát triển nhanh. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi thị trường tiêu dùng lớn trong nước, tầng lớp trung lưu, giàu có đang mở rộng quy mô nhanh chóng, cùng với tỷ lệ chấp nhận kỹ thuật số ấn tượng.

Theo IMF, Bangladesh đang là quốc gia đứng thứ 35 về quy mô kinh tế trên thế giới với 460,2 tỷ USD (trong khi Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 37). Dự báo của IMF cho rằng Bangladesh sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2023.

Trước đó, quốc gia này tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 6,4% trong giai đoạn 2016-2021. GDP bình quân đầu người Bangladesh là xấp xỉ 2.800 USD vào năm 2022 — hiện đã cao hơn Ấn Độ. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Bangladesh đang trên đà trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao (tối thiểu 4.000 USD GDP bình quân đầu người) vào năm 2031.

Bangladesh đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những cú sốc kinh tế toàn cầu. Năm 2020, GDP của Bangladesh tăng 3,4%, là một trong số ít nền kinh tế châu Á tăng trưởng trong đại dịch Covid-19. Tương tự, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007–2009, tốc độ tăng trưởng hàng năm của quốc gia này là 5,5%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu chỉ 0,4%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính mang lại doanh thu cao nhất của Bangladesh là: quần áo may sẵn, đay và các sản phẩm từ đay, thuỷ sản, da và sản phẩm da, dệt may gia dụng...

Với chi phí vận hành thấp, lực lượng lao động đông đảo và lành nghề cũng như các điều khoản thương mại ưu đãi, Bangladesh đã trở thành một nước đóng vai trò quan trọng trong thị trường dệt may toàn cầu. Ngành may mặc của Bangladesh cũng chiếm gần 29% GDP và là ngành chính của công nghiệp nước này.

Trong đó, chỉ riêng với hàng quần áo may sẵn, trong năm tài chính (FY) 2021-2022, giá trị xuất khẩu của Bangladesh ước tính đạt 31,46 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao so với con số 27,95 tỷ USD cùng kỳ.

Sự tăng trưởng đột biến trong ngành may mặc đã có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của Bangladesh. Các thị trường nước ngoài chính cho xuất khẩu quần áo may sẵn của Bangladesh trong năm 2022 là Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Canada và Bỉ.

Theo một cuộc khảo sát mới đấy ngành may mặc Bangladesh hiện có khoảng hơn 4.800 nhà máy đang hoạt động, tạo ra việc làm cho hơn 4,4 triệu lao động, phần lớn là lao động nữ. Hàng may mặc xuất khẩu của Bangladesh chủ yếu phục vụ H&M, Walmart và Zara... Tuy nhiên, bất chấp những đóng góp đáng kể của ngành, vẫn còn những vấn đề như tiền lương thấp và điều kiện làm việc kém.

Tuy nhiên, với rất nhiều nỗ lực cải thiện trong vòng 5 năm trở lại đây, Bangladesh đã có những bước tiến đáng kể trong việc bền vững hoá ngành dệt may, khi trở thành quốc gia có nhiều nhà máy bền vững nhất, cũng sở hữu nhà máy bền vững số 1 thế giới.

Kinh tế và ngành dệt may Bangladesh - đối thủ cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam - đáng gờm thế nào? - Ảnh 1.

52 trong số 100 nhà thân thiện với môi trường hàng đầu trên thế giới, theo danh sách mới nhất của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC), là ở Bangladesh (trong khi Trung Quốc chỉ có 10 nhà máy, và Việt Nam có 4 nhà máy). Và 8/10 nhà máy thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới là ở Bangladesh, hai nhà máy còn lại ở Indonesia và Sri Lanka. Nhà máy Green Textile Limited Unit 4 tại Bangladesh cũng vinh dự đứng top 1 thế giới.

Chủ yếu trong số 52 nhà máy này là nhà máy trong ngành dệt may, một số ít khác là trong ngành đóng tàu, da giày và điện tử. Bên cạnh đó, tuy với số lượng ít hơn nhưng các tòa nhà thương mại thân thiện với môi trường cũng đang được xây dựng ở Bangladesh.

Khi được hỏi về thành công trong việc tăng các nhà máy thân thiện với môi trường, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh BKMEA Mohammad Hatem nói:“Thành tích này là một niềm tự hào lớn đối với Bangladesh"".

“Các đối thủ không thể cạnh tranh bằng Bangladesh khi nói đến việc xây dựng các nhà máy thân thiện với môi trường. Hy vọng rằng sự công nhận toàn cầu này sẽ giúp tăng giá hàng may mặc”, ông này cho biết.

Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên