MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam: 10 năm thăng trầm

Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng năm 2018 và có thể vượt qua những cơn sóng gió tiếp theo hay không? BizLIVE điểm lại những chỉ tiêu chính về tăng trưởng GDP giai đoạn 2008 – 2018.

Nền kinh tế Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 12/2006, ngay sau đó Việt Nam bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 – 2009 khiến nền kinh tế có nhiều lúc thăng trầm.

Đến năm 2017 - 2018, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể rơi vào chu kỳ 10 năm. Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, GDP của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, vượt kế hoạch đề ra đầu năm là 6,7% và đạt mức 7,08%.

Tăng trưởng GDP và tín dụng đã hài hoà hơn

Kinh tế Việt Nam: 10 năm thăng trầm - Ảnh 1.

Nguồn: TCTK, NHNN

Giai đoạn năm 2008 – 2018, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trên thế giới, đạt mức bình quân 6,1%, nhưng tăng thấp hơn so với giai đoạn 1986-2006 trước đó, GDP bình quân tăng 6,8%.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn còn nhờ nhiều vào tín dụng ngân hàng nhưng giảm dần phụ thuộc. Nếu những năm 2008 – 2010, mức bơm tín dụng của ngân hàng vào nền kinh tế luôn trên 30% (năm 2009 là 37,7%) nhưng GDP tăng trưởng chưa tương xứng, chỉ ở mức 5,66 - 6,42%. Từ năm 2013 trở đi, mức "bơm" tín dụng đã chậm lại nhưng vẫn ở hai con số 13-18%, tăng trưởng GDP cũng tăng mạnh mẽ trở lại luôn trên mức 6,2% (trừ năm 2014 là 5,98%), đạt cao nhất trong 10 năm qua ở mức 7,08% cho năm 2018.

Tín dụng hỗ trợ tăng trưởng GDP nhưng cũng làm lạm phát tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) rất cao 22,97% năm 2008, giảm dần nhưng tăng trở lại mức hai con số 18,58% vào năm 2011 do tín dụng vẫn tăng mạnh năm 2009 (37,7%) và năm 2010 (27,6%).

Mức "bơm" tín dụng giảm mạnh từ năm 2011 còn 10,9% và 8,85% năm 2012 khiến lạm phát những năm sau đó lao dốc và về mức rất thấp 0,63% năm 2015 khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại giảm phát xuất hiện. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra khi lạm phát được kiểm soát dưới 4% cho đến năm 2018 nhờ tiền được "bơm" ở mức 14-18%.

Sau giai đoạn mấp mô giữa tăng trưởng tín dụng, tăng lạm phát và tăng GDP, các yếu tố này đã tăng trưởng hài hoà trở lại từ năm 2016 – 2018 với mức GDP luôn tăng trên 6% và lạm phát dưới 4%.

Quy mô tín dụng luôn cao hơn GDP

Với việc bơm vốn nhiều vào nền kinh tế đã giúp GDP tăng trưởng, nhưng cũng khiến cho quy mô tín dụng luôn cao hơn quy mô GDP. Tỷ lệ tín dụng trên GDP ở mức 125% đạt được vào năm 2010 với quy mô  GDP là 116 tỷ USD, năm 2011 là 124% với quy mô GDP là 135,5 tỷ USD.

Đặc biệt, năm 2017 và 2018 quy mô tín dụng đã lên đến 130% - 134% GDP, tương ứng với quy mô GDP ở mức 223,9 tỷ USD và 240 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam: 10 năm thăng trầm - Ảnh 2.

Nguồn: TCTK, NHNN, WB

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP cũng khá cao, mức trên 40% cho những năm 2008 – 2010. Từ năm 2011 đến 2018, tỷ lệ này đã giảm về mức 30%, thấp nhất là năm 2013 chỉ ở mức 30,4% GDP (tương ứng 1,091 triệu tỷ đồng) và năm 2014 là 31% GDP (tương ứng 1,22 triệu tỷ đồng).

Từ năm 2016 – 2018, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trong khoảng 33% GDP, tương ứng với mức 1,5 – 1,8 triệu tỷ đồng.

Quy mô GDP của Việt Nam năm 2018 khoảng 240 tỷ USD, gấp 2,4 lần quy mô GDP năm 2008 là 99,13 tỷ USD.

Dân số mỗi năm tăng thêm gần 01 triệu người

Trong khoảng 10 năm qua, dân số Việt Nam cũng tăng thêm 9,55 triệu người, tính bình quân mỗi năm tăng thêm gần 01 triệu người từ mức 85,12 triệu dân năm 2008 tăng lên 94,67 triệu dân năm 2018.

Theo ước tính của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến năm 2025, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 101 triệu người và ở mức 110 triệu người vào năm 2035.

Kinh tế Việt Nam: 10 năm thăng trầm - Ảnh 3.
Nguồn: TCTK, WB

Song song đó, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng 3,3 lần từ mức 17,3 triệu đồng/người/năm của năm 2008 và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đến năm 2018 mức thu nhập bình quân tăng lên mức 58,5 triệu đồng/người/năm. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần nhiều nỗ lực để thoát “bẫy thu nhập trung bình”.

Dù thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nhưng tỷ giá USD/VND cũng đã tăng trên 30% trong 10 năm qua từ mức 17.000 - 18.000 USD/VND cuối năm 2008 đầu năm 2009 lên mức 23.200 USD/VND cuối năm 2018, tức VND đã mất giá trên 30% so với USD.

Năng suất lao động có cải thiện nhưng còn thấp

Trong giai đoạn 2008 - 2018, Việt Nam đã nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nếu như năm 2008, tỷ lệ này tới 4,65% thì những năm tiếp theo về mức quanh 2% - 2,4%.

Kinh tế Việt Nam: 10 năm thăng trầm - Ảnh 4.
Nguồn: TCTK

Năng suất lao động của người dân Việt 10 năm qua đã liên tục tăng tịnh tiến. Nếu như năm 2008, năng suất lao động trung bình của người dân Việt chỉ ở mức 35 triệu đồng/người, đến năm 2018 đã tăng lên 102 triệu đồng/người, gấp 3 lần.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, năng suất lao động của người Việt đang thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, thấp hơn Malaysia 5 lần và thấp hơn Thái Lan 2,5 lần.

Theo ông Nhân, một trong những nguyên nhân chính là công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp Việt đã quá lạc hậu vì không chịu đầu tư khi có tới gần 60% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lỗi thời, 28% sử dụng công nghệ trung bình, 10% trên trung bình và chỉ có 2% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Do đó, sản phẩm của các doanh nghiệp có giá trị thấp.

Do đó, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra những định hướng phát triển cho Việt Nam trong thời gian tới, đó là: Phát triển giao thông trở thành nền tảng hỗ trợ phát triển ngành kinh tế khác; Tái cấu trúc ngành năng lượng; Phát triển viễn thông hiện đại nhất; Nâng cấp hệ thống nước thải, rác thải; Tăng năng suất lao động thông qua công nghệ và hiện đại hoá quản lý ở cấp doanh nghiệp; Tăng năng suất thông qua hỗ trợ các hệ thống tài chính và ngân hàng.

Theo Linh Anh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên