Kinh tế Việt Nam 7 tháng qua diễn biến như thế nào?
Qua 7 tháng, kinh tế cả nước có nhiều chuyển biến, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng mạnh về quy mô và thực hiện.
- 11-08-2017Bộ trưởng Bộ KHĐT: Việt Nam sẽ sớm có 3 đặc khu tạo cú hích cho nền kinh tế
- 10-08-2017Trang trại chăn nuôi liên hoàn mang lại hiệu quả kinh tế
- 10-08-2017Bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2017 của Việt Nam sẽ như thế nào?
Nông nghiệp tiếp tục được cải thiện
Sau chuỗi ngày giải cứu nặng nề, tháng 7 ghi nhận sự phục hồi giá thịt lợn với mức 42.000 - 45.000 đồng/kg, là mức giúp người chăn nuôi bước đầu có lãi, dù đàn lợn cả nước ước tính giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, đàn trâu giảm 0,8%; đàn bò tăng 2,2%; đàn gia cầm tăng 5%, thuỷ sản tăng 4,4%.
Thị trường cũng ghi nhận việc cà phê và rau củ quả có sự bùng nổ trong xuất khẩu khi thu về lần lượt là 2,1 tỷ USD (tăng 8,3%) và 2 tỷ USD (44,4%) so với năm ngoái. 2 con số trên đều cao hơn xuất khẩu dầu thô trong 7 tháng, chỉ thu về 1,8 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng
Tính chung 7 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2016 nhưng cao hơn mức tăng 6,3% của 6 tháng đầu năm nay.
Số doanh nghiệp khai sinh, khai tử tăng mạnh
Tính chung 7 tháng, cả nước có 72.953 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 690,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 22,2%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng năm 2017 là 6.608 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 17,7%). Còn số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 43.274 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng mạnh về quy mô và thực hiện
Tính đến ngày 20/7, cả nước thu hút 1.378 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 12,9 tỷ USD, tuy giảm 2,1% về số dự án, nhưng tăng 48,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 7 tháng đạt 21,9 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Thanh Hoá là tỉnh có số vốn đăng ký lớn nhất với 3.055 triệu USD, chiếm 23,6% tổng vốn đăng ký.
Qua 7 tháng, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất với 4.808,3 triệu USD, chiếm 37,2% tổng vốn đăng ký cấp mới trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng qua.