Kinh tế Việt Nam bước vào guồng quay cấp độ mới?
Từ đà tăng trưởng quý 1, kinh tế Việt Nam bước sang quý 2 với cấp độ mới, khi các chính sách thuế và hỗ trợ lãi suất được triển khai, giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, du lịch trở lại rõ ràng hơn...
- 30-03-2022Bức tranh kinh tế sáng dần
- 29-03-2022Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khuyến cáo của WB về tình hình kinh tế Việt Nam
- 28-03-2022Kinh tế trưởng VinaCapital giải mã vì sao nhà đầu tư Việt Nam 'không nên quá bận tâm' đến thị trường BĐS Trung Quốc
Quý 1 khởi đầu năm 2022 với mức tăng trưởng ước tính đạt 5,03% so với cùng kỳ năm trước, đạt mục tiêu đề ra và cũng là mức tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng 4,72% của quý 1/2021 và 3,66% của quý 1/2020.
Trong quý 1, các ngành công nghiệp, nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh và đóng góp lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, khu vực dịch vụ trong quý 1 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, trong đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng tới 9,75% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức cao kỷ lục 4,03%, tăng vọt so với mức tăng 1,47% cùng thời điểm năm 2021 và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 1,99% vào thời điểm cuối tháng 3 hàng năm trong giai đoạn thống kê từ năm 2015 tới nay.
Cũng trong quý 1, dù chịu ảnh hưởng của việc giá cả xăng dầu, hàng hóa tăng cao nhưng lạm phát cả quý chỉ ở mức tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước.
Căn cứ vào tình hình tăng trưởng của quý 1, Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng các quý còn lại của năm 2022 vẫn khả quan, trong đó động lực tăng trưởng vẫn tiếp tục đến từ các ngành thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo và đặc biệt là từ sự phục hồi của khu vực dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, du lịch.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm các chính sách về gia hạn các loại thuế, phí hay cơ chế hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay thương mại... sau thời gian chuẩn bị cũng dự kiến đưa vào thực thi từ quý 2.
Ngoài ra, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4 - bớt lực cản chi phí sản xuất, logistic và tiêu dùng; bắt đầu giải ngân cấu phần đầu tư công trong gói hỗ trợ phục hồi... cũng sẽ tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh kỳ vọng tăng trưởng cho quý 2 và cả năm 2022, các chuyên gia đều cho rằng sẽ có cải thiện hơn so với quý 1 dù các rủi ro như lạm phát, bất ổn vẫn còn.
Nhìn lại quý 1, có thể thấy các chỉ số dẫn dắt như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, diễn biến giá dầu, giá than tăng cao là động lực cho sự tăng trưởng mạnh của ngành khai khoáng.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng có sự phục hồi tương đối trong quý 1, xuất khẩu cũng đang tăng khá tốt.
Đặc biệt, bán buôn, bán lẻ, vận tải, lưu trú ăn uống đang có xu hướng tăng khi hoạt động du lịch mở cửa lại hoàn toàn từ 15/3, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Khi có khách nước ngoài, khách nội địa dần trở lại bình thường, tôi cho rằng sang quý 2, 3, 4 các ngành này sẽ bùng nổ do năm 2021 các ngành này âm khá lớn.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay vẫn còn những rủi ro từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, cầu thế giới tăng cao nhưng chuỗi cung ứng lại bị ảnh hưởng dẫn đến giá cả hàng hóa leo thang, tạo ra áp lực lạm phát cao trong các quý còn lại của năm 2022.
Dù vậy, chúng tôi đánh giá tăng trưởng các quý còn lại của năm 2022 vẫn khả quan, trong đó, động lực tăng trưởng vẫn tiếp tục đến từ các ngành thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng cũng đang dần khôi phục, các hoạt động bán buôn, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí sẽ có động lực tăng cao. Đặc biệt ngành du lịch cũng đã mở cửa toàn diện và kỳ vọng sẽ tạo ra được sức hút như trước đây.
Bên cạnh đó kỳ vọng về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng sẽ giúp khôi phục sản, xuất, đầu tư, tiêu dùng trong nước và từ đó thúc đẩy sự phát triển.
Căn cứ vào tình hình tăng trưởng của quý 1 năm nay, chúng tôi cũng đã dự thảo hai kịch bản tăng trưởng cho quý 2, quý 3 và quý 4.
Theo đó, ở kịch bản thấp với định giả định xung đột Nga – Ukraine tiếp tục căng thẳng, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng cơ bản được kiểm soát và Việt Nam hoàn thành phổ cập mũi 3 vaccine cho toàn dân, các hoạt động kinh tế kinh tế duy trì như hiện tại thì tăng trưởng của quý 2 sẽ đạt khoảng 5,5%; quý 3 đạt 7,5% và quý 4 là 6,1%. Như vậy ở kịch bản thấp này tăng trưởng cả năm vẫn đạt được 6% như mục tiêu đặt ra.
Ở kịch bản cao, với giả định xung đột Nga – Ukraine hạ nhiệt trong thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát, phổ cập diện rộng mũi 3 vaccine và hoạt động kinh tế phục hồi mở rộng thì tăng trưởng quý 2 sẽ đạt 6,1%, còn quý 3 và 4 chúng tôi vẫn giữ nguyên ở mức 7,5% và 6,1%. Như vậy, tăng trưởng cả năm theo kịch bản này sẽ khoảng 6,5%.
Trong quý 1 khả năng lạm phát vẫn ở trong ngưỡng "chịu đựng được" bởi trong rổ hàng hóa tính CPI, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định, trong đó mặt hàng thịt lợn giá vẫn thấp nên giữ được CPI ở mức thấp. Tuy nhiên, sang quý 2,3,4 thì ngay cả mặt hàng thịt lợn chi phí đầu vào như giá thức ăn đang tăng nên các hộ chăn nuôi thấy không có lãi sẽ bỏ trống chuồng dẫn đến hệ lụy là đến các quý sau cung thịt lợn sẽ thấp và giá có thể tăng lên.
Tuy nhiên, có một vấn đề cần lưu ý là lạm phát năm nay chắc chắn phải chịu áp lực do chi phí đẩy rất lớn khi Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên vật liệu, nhất là xăng dầu. Bên cạnh đó, các chi phí về nguyên liệu trong các ngành phân bón, thuốc trừ sâu, sắt thép, đặc biệt là kim loại cũng tăng khá mạnh.
Một điểm nữa là Trung Quốc đang có xu hướng thu mua lợn để tích trữ. Tuy hiện nay Việt Nam xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc chưa lớn nhưng nếu việc mở cửa biên giới được khôi phục như trước việc xuất thịt lợn sang Trung Quốc sẽ nhiều hơn và đây cũng sẽ là nguyên nhân đẩy giá thịt lợn lên.
Tóm lại, tôi cho rằng rủi ro với tăng trưởng vẫn lớn nhưng chính sách điều hành của Chính phủ và các bộ ngành cũng rất linh hoạt. Chẳng hạn như việc giá xăng dầu tăng tác động rất lớn nhưng Chính phủ cũng đã nhanh chóng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm áp lực tăng giá xăng dầu và đã được thông qua, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/4. Còn chuyện giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo, điều này không thể tránh khỏi và tất nhiên sẽ tạo áp lực cho CPI.
Tôi hy vọng trong quý 2 trước hết là bệnh dịch được kiểm soát. Theo tôi đây là điều quan trọng nhất trong tình hình hiện nay. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì khó có thể nói nền kinh tế có thể hồi phục bởi vì chúng ta thấy như Trung Quốc vẫn thực hiện chiến lược "Zero COVID" và hiện nay đang phải phong tỏa một số nơi, trong đó có thủ phủ công nghiệp Thâm Quyến. Cho nên tôi thấy rằng chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và cảnh giác để kiểm soát dịch bệnh.
Thứ hai, trong quý 2 tình hình có nhiều cải thiện như giải ngân gói hỗ trợ, thế giới cũng mở cửa hơn và Việt Nam sẽ cải thiện được tình hình xuất nhập khẩu. Đồng thời, trong tình hình đó đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Tôi rất hy vọng rằng chính sách sẽ cải thiện để hoạt động của đầu tư tư nhân trong nước và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, tôi cho rằng các gói hỗ trợ cho đến nay rất cần các tiêu chí rõ ràng, ai sẽ được hỗ trợ cái gì, doanh nghiệp với khó khăn như thế nào thì sẽ được hỗ trợ ra sao,… Nếu không có tiêu chí rõ ràng, không công khai minh bạch thì rất có thể dẫn đến việc có một số doanh nghiệp quen thuộc sẽ được hỗ trợ nhiều hơn. Theo tôi nên vận dụng công nghệ thông tin để thực hiện công khai minh bạch và nên thu hút sự tham gia giám sát của các tổ chức quần chúng.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý nếu như không làm tốt mà để xảy ra hiện tượng một số người mắc bệnh để bùng dịch lại khiến cho việc mở cửa phải đóng lại là điều rất bất lợi. Cho nên cần phải đảm bảo an toàn, không để xảy ra hiện tượng mở ra rồi lại đóng vào, đóng vào rồi lại mở ra.
Tôi hy vọng Việt Nam sẽ làm tốt việc mở cửa du lịch và kiểm soát dịch bệnh. Về mặt này tôi rất mong có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bộ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế để du khách khi đến Việt Nam sẽ không thấy phiền hà vì các thủ tục y tế, đồng thời họ vẫn thấy an toàn.
Về đầu tư công, tôi cho rằng cần tinh giản các thủ tục hành chính. Người ta nói rằng nếu làm được đầy đủ các thủ tục hành chính thì phải mất đến 3 năm mới triển khai được dự án đầu tư công, nếu như vậy thì rất khó đẩy nhanh đầu tư công. Do đó, cần áp dụng công nghệ làm các thủ tục, báo cáo qua mạng, có sự giám sát công khai minh bạch thì đầu tư công mới có thể đẩy mạnh được.
Nhìn vào rủi ro của quý 2, chúng ta phải thấy rõ, các chuỗi giá trị hiện nay bị đứt gãy, không kết nối được, có một số chuỗi giá trị hiện nay phải tìm đối tác mới do đối tác cũ hiện nay không còn hợp tác được nữa. Nếu không tìm được các đối tác mới, bạn hàng mới thì khó có thể mở lại và thúc đẩy quá trình phục hồi. Đây là một cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam.
Thêm nữa, tôi cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục tác động đến Việt Nam. Xung đột này đã và sẽ tác động đến thị trường Nga của Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam xuất khẩu sang Nga tương đối ít và nhập khẩu cũng tương đối hạn chế nên tác động trực tiếp có thể tìm nguồn khác thay thế. Nhưng tác động gián tiếp là biến động về tài chính, tỷ giá thì cần có nỗ lực của các bộ, ngành để kiểm soát và có các giải pháp để giải quyết cho doanh nghiệp.
Lạm phát cũng là một vấn đề cần quan tâm trong quý 2 và cả năm 2022. Tuy nhiên tôi cho rằng lạm phát năm nay có thể ở mức 4-5%, có thể cao hơn chỉ tiêu mà Quốc hội giao nhưng do tình hình biến động nên mức lạm phát này có thể chấp nhận được.
Tôi nghĩ rằng mức tăng trưởng trong quý 2 sẽ có cải thiện so với quý 1 và cả năm 2022 sẽ tốt hơn năm 2021.
Một điểm tôi muốn nhấn mạnh và bổ sung là phải thực hiện chuyển đổi số, nếu thực hiện tốt chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử rồi nộp thuế qua mạng, các dịch vụ thanh toán qua mạng thì chúng ta có thể đạt được một tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa.
Có thể thấy rằng các chính sách và giải pháp trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được nêu ra và bắt đầu thực thi từ cuối năm 2021 sang đầu năm nay nhưng đến tháng 3/2022, các bộ, ngành mới dự kiến hoàn thiện các khung khổ pháp lý và từ quý 2 mới đưa ra các khung khổ này vào thực hiện đầy đủ hơn.
Về các vấn đề như giảm thuế, giảm lãi suất đã nêu trong chương trình phục hồi rồi, ngoài ra do tình hình hiện nay có thể có những bổ sung và một trong những bổ sung có thể thấy rất rõ đó là hạn chế sự tăng phi mã của giá xăng dầu.
Khi đưa ra chương trình phục hồi, các bộ ngành cũng đã tính đến rủi ro lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công hay dòng tiền bị chuyển qua các kênh đầu cơ,… nhưng nay lại thêm câu chuyện địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu tăng,…
Chính phủ và bộ, ngành đang cố gắng có các giải pháp linh hoạt để quản trị rủi ro, đi vào thực thi quyết liệt hơn, đầy đủ hơn chương trình phục hồi và phát triển.
Ở chiều ngược lại, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn khi đà giảm tốc của kinh tế thế giới đã xuất hiện từ năm 2021 nhưng vẫn giảm tốc hơn nữa. Trong khi đó, lạm phát toàn cầu lại dự báo tiếp tục tăng, điều này cũng đặt cho Việt Nam không ít thách thức.
Do đó, các dự báo về tăng trưởng, không chỉ quý 2 mà cả năm 2022 khi chưa xuất hiện xung đột Nga - Ukraine cũng đã đề cập đến những rủi ro. Theo đó, kinh tế thế giới đã có những giảm tốc, hiện nay vẫn tiếp tục và điều này còn bất định do quy mô, cường độ, thời gian chưa thể biết hết được.
Về tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam, trước khi chưa diễn ra xung đột Nga - Ukraine, mục tiêu là 6-6,5%, thậm chí cao hơn nhưng hiện nay trước ảnh hưởng của xung đột, dự báo có thể giảm đi.
BizLive