MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mọi dự báo

Năm 2024, GDP Việt Nam dự kiến tăng khoảng 7%.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mọi dự báo- Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, "Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới". Trong đó, GDP cả năm 2024 dụ kiến tăng khoảng 7%.

Ông Dũng nói về năm 2024, Việt Nam đạt 15/15 chỉ tiêu được Quốc hội giao, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.

Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn, trong báo cáo công bố giữa tháng 12/2024, HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á , sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái. Con số 7% cũng là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mọi dự báo- Ảnh 2.

Dự kiến, GDP cả năm 2024 của Việt Nam tăng khoảng 7%.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu - vốn đang suy giảm, cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng 2024 ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Còn tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét, tháng, quý sau tốt hơn tháng, quý trước. Các địa phương là động lực thúc đẩy kinh tế như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai... dự báo tăng trưởng cao trong quý 4/2024.

Tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam cao hơn các dự báo

Con số dự kiến tăng trưởng 7% trong năm 2024 là cao hơn các dự báo của nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế.

Cụ thể, hồi tháng 11/2024, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt 6,8% (từ mức 6,0%).

Thời điểm đó, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam - Ngân hàng Standard Chartered, nhận định mặc dù áp lực kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại nhưng Standard Chartered cho rằng khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Trong khi đó, hồi tháng 10/2024, Ngân hàng UOB (Singapore) đánh giá kinh tế Việt Nam và cập nhật dự báo tăng trưởng cả năm 2024 của Việt Nam ở mức 6,4%.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mọi dự báo- Ảnh 3.

Mức tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam vượt các dự báo của quốc tế.

“Chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam lên 6,4% so với mức dự báo trước đó là 5,9%. Dự báo tăng trưởng năm 2025 vẫn được duy trì ở mức 6,6%, phản ánh mức tăng sản lượng dự kiến vào đầu năm sau để bù đắp cho những tổn thất trước đó do cơn bão Yagi gây ra, cũng như tác động lan tỏa từ chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc”, chuyên gia tại UOB nhận định trong báo cáo hồi tháng 10/2024.

Còn báo cáo hồi tháng 8/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong hai năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023.

Ở thời điểm đó, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam, cho rằng dự báo tăng trưởng 6,1% là rất tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay về quỹ đạo tiềm năng đầy đủ. Bà Madani cho rằng sau khi phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Ở dự báo đầu năm 2024, cuộc khảo sát của Bloomberg cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý 1/2024 và 6,5% trong quý 2/2024. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025.

Trong bài viết lúc đó, ông Han Teng Chua, Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể vẫn tiếp tục tăng vì Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư trong những năm tới trong bối cảnh các công ty đang đa dạng hóa và giảm rủi ro chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Chi phí lương cạnh tranh, mạng lưới hiệp định thương mại rộng khắp và môi trường kinh doanh thuận lợi là những lợi thế quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên