Kịp thời cấp cứu doanh nghiệp ‘thoi thóp’ vì dịch COVID-19
COVID-19 hiện trở thành mối đe dọa toàn cầu không chỉ bởi sự nguy hại đến tính mạng con người mà còn gián tiếp gây nên tình trạng sụt giảm doanh thu trầm trọng, thậm chí đe dọa đóng cửa hoạt động của hàng loạt đơn vị lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng...
Lúc này là "thời điểm vàng" để áp dụng những giải pháp cứu trợ DN hiệu quả.
COVID-19 diễn biến phức tạp, đe dọa tăng trưởng kinh tế
Theo các hãng truyền thông Trung Đông đưa tin, ông Saeed el-Batouti - Cố vấn Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization) cho biết COVID-19 là trở ngại lớn nhất với tăng trưởng kinh tế. Do ảnh hưởng của dịch, nhu cầu đi lại giảm đáng kể khiến doanh thu của các hãng hàng không có thể giảm khoảng 29 tỷ USD trong năm nay. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ đặt phòng khách sạn đã giảm 11% và khiến ngành du lịch thế giới thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD.
Tại Việt Nam, thống kê sơ bộ đã cho thấy ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đối với các ngành kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách - giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội đã chỉ ra rằng trong 2 tháng đầu năm 2020, doanh thu khách sạn, nhà hàng chỉ đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, giảm 8,1%; du lịch lữ hành đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng loạt khách sạn tại các phố trung tâm Hà Nội đóng cửa vì dịch COVID-19
Tại các con phố có vị trí đắc địa tại Hà Nội như phố Nhà Chung, Hàng Bông, Hàng Gai, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn..., dễ dàng nhận thấy hàng loạt cửa hàng kinh doanh đồng loạt đóng cửa, treo biển "cho thuê nhà". Chủ một nhà hàng trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh ế ẩm, thu không đủ để trả chi phí thuê nhà, nên đã trả lại mặt bằng để cắt lỗ, đợi tình hình ổn định trở lại.
Trong hai ngày cuối tuần qua, tình hình dịch COVID diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 mới tại 4 tỉnh thành, hàng nghìn người phải cách ly. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 bước vào giai đoạn quyết liệt hơn. Các DN khó tránh khỏi đương đầu với tình hình kinh doanh thêm ảm đạm.
Chính sách kịp thời cấp cứu doanh nghiệp
Trước tình cảnh DN hoạt động cầm chừng do dịch bệnh, có nguy cơ phá sản, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm kịp thời cứu DN khỏi tình trạng "thoi thóp" hiện nay.
Cụ thể, VCCI đã đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn, trong đó đề cập đến những vấn đề như xem xét không tăng thuế trong thời gian tới, giảm lãi suất cơ bản, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chịu tác động mạnh do dịch bệnh như ngành du lịch - dịch vụ...
Các đại lý du lịch giảm giá sâu vẫn vắng khách
Chuyên gia Vũ Viết Ngoạn - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, việc miễn giảm thuế, không tăng thuế là phương án khả thi đối với nhiều doanh nghiệp. Các đề án tăng thuế theo lộ trình cũng cần xem xét kỹ càng vì với ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài thì sang những năm sau doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Trong ngày 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Đây được coi là một động thái mạnh mẽ của Chính phủ đáp ứng nhu cầu của các DN hiện nay.
Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì COVID-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cho giải pháp này.
Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Thủ tướng cũng yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong quý I và II.
Đánh giá về chính sách hỗ trợ trên, PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, Chỉ thị đã được ban hành kịp thời, và cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí thực thi và tính toán cách thức thực hiện thật hiệu quả, đặc biệt là khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế. Đối với các DN, đây là cơ hội quý giá cần phải tận dụng để vượt qua thời điểm khó khăn, dần ổn định tình hình và tiếp tục phát triển.