Kit test Covid-19: Việt Nam có đủ số lượng đáp ứng nhu cầu test nhanh
TS Trần Huy Thịnh, Trưởng phòng Khoa học (Đại học Y Hà Nội), ngoài sản phẩm bộ Kit test do CTCP Công nghệ Việt Á cung cấp ra thị trường, trên thị trường còn có những sản phẩm khác được nhập khẩu từ các công ty sinh phẩm của thế giới.
- 16-03-2020Hai bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng hơn
- 16-03-2020Những chuyện xúc động ghi ở khu cách ly Covid-19 Cầu Giấy, Hà Nội
- 16-03-2020Hành trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 thứ 57 sẽ điều trị tại Quảng Nam
- 16-03-2020Những quy định phòng chống dịch Covid-19 bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (16/3)
Trao đổi với PV về thông tin cho rằng Việt Nam mới đây đã nhờ Hàn Quốc hỗ trợ bộ Kit chẩn đoán nhanh Covid-19 trong khi trước đó không lâu Việt Nam đã công bố sản xuất được bộ Kit test nhanh Covid-19 với năng lực sản xuất 10.000 test/ngày, PGS-TS Trần Huy Thịnh – Trưởng phòng Khoa học, Đại học Y Hà Nội, cho biết, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Việt Nam có đủ số lượng bộ Kit đáp ứng nhu cầu test nhanh. Ngoài sản phẩm bộ Kit test do CTCP Công nghệ Việt Á (đơn vị duy nhất được Bộ Y tế cấp phép sản xuất) cung cấp ra thị trường, trên thị trường còn có những sản phẩm khác được nhập khẩu từ các công ty sinh phẩm của thế giới.
Bộ Kit test do CTCP Công nghệ Việt Á sản xuất là kết quả nghiên cứu trong một thời gian rất ngắn giữa Việt Á và Học viện Quân Y.
Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang sử dụng bộ Kit test do Việt Á sản xuất. Tuy nhiên, PGS-TS Trần Huy Thịnh cho rằng, Bộ Y tế cũng rất cẩn trọng trong việc xét nghiệm bởi nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến việc cho kết quả “âm tính giả”.
“Việc cho ra kết quả âm tính giả sẽ dẫn đến mối nguy hại khôn lường, bởi người bị dương tính với Covid-19 có thể vô tình làm lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên tôi cho rằng bộ Kit test do Việt Á sản xuất hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng.” – PGS – TS Trần Huy Thịnh cho hay.
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Việt Á cho biết, ông đã đọc các bài báo nói về việc Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc tài trợ bộ Kit. Tuy nhiên, các thông tin này đều không rõ ràng và báo chí cũng không nói rõ nội dung cụ thể. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là hướng triển khai công tác xét nghiệm.
“Nó giống như việc giao cho anh một chiếc xe cùng 1.000 lít xăng đi từ đây vào Đà Nẵng, nếu không biết đường thì anh có thể mất cả tháng cũng không tới nơi” – đại diện Công ty Việt Á ví von.
Vị đại diện này cho hay, Hàn Quốc đã có kinh nghiệm dập dịch rất tốt, tuy nhiên với bộ Kit test chỉ khoảng 30 phút là cho ra kết quả mà họ sản xuất (bộ Kit test của Việt Nam mất thời gian khoảng hơn 1 tiếng cho ra kết quả), về lý thuyết thời gian càng lâu thì càng cho ra kết quả chính xác.
“Nếu sử dụng bộ Kit test cho ra kết quả quá nhanh có thể sẽ dẫn đến vỡ trận. Bởi những bộ Kit test như thế có thể cho kết quả dương tính giả, hoặc âm tính giả. Nếu dương tính giả thì không sao nhưng cho ra kết quả âm tính giả thì sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng khi không phát hiện được những ca chưa có biểu hiện rõ rệt”.
Đại diện của doanh nghiệp này cũng phủ nhận thông tin lan truyền trên mạng về việc Việt Á có thể sản xuất 30.000 bộ Kit/ngày. Chính xác là doanh nghiệp có thể đáp ứng cho 30.000 test/ngày, mỗi bộ Kit có thể test được 50 mẫu sinh phẩm, và doanh nghiệp hiện nay có thể sản xuất 600 bộ/ngày (tương đương 30.000 test).
“Trên thực tế hiện nay chúng tôi đã cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 test. Con số sản xuất thì lớn hơn và chúng tôi đang dự trữ cho 300.000 test.”
Theo quy định hiện nay, Bộ Y tế là đơn vị duy nhất cấp phép cho doanh nghiệp được sản xuất bộ Kit test nhanh Covid-19 nếu đáp ứng đủ tiêu chí do Bộ Y tế, Bộ KH&CN và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công nhận.
Cũng chỉ có Bộ Y tế là đơn vị chỉ định các cơ sở được tiến hành xét nghiệp cho ra kết quả đối với test Covi-19. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn mạng xã hội hiện nay, có không ít người đặt câu hỏi về việc có thể mua bộ Kit test về nhà tự xét nghiệm.
Đại diện Công ty Việt Á cho rằng cách hiểu này là hoàn toàn sai, bởi với người không có chuyên môn, việc tự xét nghiệm có thể cho ra kết quả âm tính giả, như vậy sẽ dẫn đến “thảm họa”.
Sáng 15/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tiếp ngài Park Noh-wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam và TS Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị phía Hàn Quốc chia sẻ bài học kinh nghiệm về việc xét nghiệm cùng lúc số lượng lớn mẫu bệnh phẩm, đồng thời đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ các sinh phẩm, Kit chẩn đoán nhanh, trang thiết bị xét nghiệm, giúp Việt Nam xét nghiệm nhanh, nhiều mẫu cùng lúc, nhằm rút ngắn thời gian xét nghiệm và ứng phó kịp thời nếu xảy ra tình huống dịch trên diện rộng, ca bệnh nhiều. Thông tin này nhanh chóng được nhiều người chú ý bởi trước đó, ngày 5/3, Việt Nam công bố sản xuất được bộ Kit test nhanh Covid-19 bằng phương pháp real-time RT-PCR với năng lực sản xuất 10.000 test/ngày, khi cần có thể nâng công suất lên gấp 3 lần. |
Infonet