MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kit test nhanh COVID-19 nhập lậu tràn ngập Việt Nam, quản lý thị trường cảnh báo gì?

18-06-2021 - 15:23 PM | Thị trường

Kit test nhanh COVID-19 nhập lậu tràn ngập Việt Nam, quản lý thị trường cảnh báo gì?

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, trong tháng 6, qua kiểm tra, kiểm soát, Tổng cục và các đơn vị phát hiện một số lượng lớn các bộ kit test nhanh COVID-19 được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đa dạng và được quảng cáo với nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản … được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay

Về tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả trong giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ khi dịch bùng phát vào năm 2020, những mặt hàng liên quan đến thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay… khan hiếm nên năm 2020, gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng này rất nhiều.

Đến năm 2021, khi dịch bùng phát lần thứ 4, gian lận thương mại tương đối tinh vi hơn, mặt hàng đa dạng hơn. Đặc biệt, trong tháng 6, qua kiểm tra, kiểm soát, Tổng cục phát hiện một số lượng lớn các bộ kit test nhanh COVID-19 được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đa dạng và được quảng cáo với nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản … được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay

Vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh COVID-19 và hầu hết là không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo ông Linh, hiện nay, bộ kit test nhanh COVID-19 có một công ty ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép để sản xuất. “Do vậy, đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế ”, ông Trần Hữu Linh khuyến cáo.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, với mặt hàng khẩu trang chống dịch, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện quảng cáo loại khẩu trang có khả năng chống virus Corona đến mức được 99%. Ông Linh cho rằng, người dân khi mua khẩu trang cần phải xem nguồn gốc xuất xứ và có được cấp phép đạt tiêu chuẩn hay không.

Thông tin từ QLTT cho hay, từ đầu đến nay, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử rất cao, chủ yếu qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như facebook và zalo. Lực lượng QLTT trên cả nước vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để “tấn công”, cũng như có phương án điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm.

“Hầu hết các mặt hàng rất đa dạng, không chỉ là các thiết bị y tế mà các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và những mặt hàng xa xỉ cũng đang được bán online rất nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng cần có những cách thức kiểm tra cũng như tự cảnh giác để thẩm tra thông tin về xuất xứ nguồn gốc hàng hóa trước khi đặt mua hàng”, ông Trần Hữu Linh cho hay.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) kiểm tra xe ô tô đỗ tại tòa nhà Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên) phát hiện 400 hộp dụng cụ xét nghiệm nhãn hiệu Q Standard COVID-19 Ag Home Test do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chủ xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng.

Trước đó, ngày 3/6, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra Công ty CP Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện 29 hộp test thử nhanh COVID-19 nhãn “Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle“. Mặt sau vỏ hộp ghi “HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA“. Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp và khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng xã hội.

Hiện kit test nhanh COVID-19 được lưu hành ở Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cấp phép. Đây là loại kit test được làm để người dân dễ dàng sử dụng, tuy nhiên loại kit test gì, chất lượng ra sao phải được cơ quan quản lý dược phẩm cấp phép mới đảm bảo an toàn.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên