MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KOLs ảo xâm nhập nền kinh tế sáng tạo nội dung: Trung bình tính phí hơn 20 triệu đồng/bài đăng, có nhân vật ký hợp đồng với Burberry, Prada, 1 năm thu về 36 tỷ đồng

01-01-2024 - 14:42 PM | Kinh tế số

KOLs ảo đang vô cùng phổ biến.

Aitana Lopez tóc hồng có hơn 200.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Cô thường xuyên đăng ảnh selfie chụp từ các buổi hòa nhạc và phòng ngủ, sau đó gắn thẻ các thương hiệu chăm sóc cơ thể để kiếm tiền.

Nhiều công ty trung bình trả khoảng 1.000 USD (hơn 20 triệu đồng) cho một bài đăng để được Lopez quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, song điều đặc biệt muốn nói ở đây, là cô gái tóc hồng này hoàn toàn hư cấu.

Aitana là “người có ảnh hưởng ảo” được tạo ra bằng công cụ trí tuệ nhân tạo - một trong hàng trăm avatar kỹ thuật số xâm nhập vào nền kinh tế sáng tạo nội dung trị giá 21 tỷ USD. Sự xuất hiện của họ đã khiến các KOLs bằng xương bằng thịt lo lắng, rằng doanh thu hàng tháng có thể sẽ bị thâm hụt ít nhiều.

Những người đứng đằng sau các sáng tạo AI siêu thực tế này cho rằng chúng chỉ đơn thuần phá vỡ một thị trường đang ‘lạm phát’ quá mức.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên trước mức phí tăng vọt hiện nay của những người có ảnh hưởng. Điều đó khiến chúng tôi nảy ra ý tưởng, rằng ‘điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tạo ra những người có tầm ảnh hưởng cho riêng mình?’, Diana Núñez, đồng sáng lập của công ty The Clueless có trụ sở tại Barcelona - công ty đã tạo ra Aitana, cho biết. Trong vài năm qua, các thương hiệu xa xỉ đã hợp tác với rất nhiều những người có tầm ảnh hưởng ảo. Hãng sản phẩm trang điểm KKW Beauty của Kim Kardashian hay Louis Vuitton là 2 ví dụ điển hình.

Phân tích trên Instagram về một quảng cáo H&M với sự tham gia của KOLs ảo Kuki cho thấy số lượng người tiếp cận nhiều hơn 11 lần so với thông thường. 91% chi phí cho mỗi người ghi nhớ quảng cáo cũng được cắt giảm.

“Nó không ảnh hưởng đến việc mua hàng, lại thúc đẩy nhận thức, sự ưa thích và khả năng tạo doanh thu cho thương hiệu”, Becky Owen, giám đốc tiếp thị và đổi mới toàn cầu tại Billion Dollar Boy kiêm cựu giám đốc Meta, cho biết.

Theo FT, ngày càng nhiều thương hiệu tương tác với KOLs ảo để thu hút sự chú ý và giảm chi phí. Một số ý kiến cho rằng các công ty nên tiết lộ việc KOLs hợp tác là thật hay ảo.

“Điều khiến tôi lo lắng là rất khó để phân biệt”, Danae Mercer, một nhà sáng tạo nội dung với hơn 2 triệu người theo dõi, cho biết.

Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo của Vương quốc Anh “nhận thức sâu sắc sự gia tăng của những người có tầm ảnh hưởng ảo, song thực tế, không có quy định nào yêu cầu các công ty phải tuyên bố KOLs họ ‘thuê’ là ảo hay thật. Trong khi đó, ở Ấn Độ, giới chức buộc những người có tầm ảnh hưởng ảo phải tiết lộ nguồn gốc của mình.

Một trong những người có ảnh hưởng ảo đầu tiên, Lil Miquela, tính phí lên tới hàng trăm nghìn USD cho mỗi hợp đồng hợp tác. Cô đã làm việc với Burberry, Prada và Givenchy.

“Rất nhiều công ty sắp tung ra các KOLs ảo. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đó sẽ là chiến lược dài hạn”, Ridhima Kahn, phó chủ tịch phát triển kinh doanh tại Dapper Labs, nói.

Ở một số nơi trên thế giới, nhiều tranh luận đang diễn ra về vấn đề đạo đức liên quan đến việc tiếp thị sản phẩm thông qua các mô hình không phải con người. Nguy cơ chiếm đoạt văn hóa khi tạo ra những KOL ảo là có thật.

Meta, công ty mẹ Facebook và Instagram, với hơn 200 KOL ảo trên nền tảng của mình cũng thừa nhận những rủi ro này.

“Giống như bất kỳ công nghệ đột phá nào, các phương tiện truyền thông tổng hợp đều có mặt lợi và hại”, công ty cho biết trong một bài đăng trên blog. Phía Meta cũng nói rằng họ đang phát triển một “khuôn khổ đạo đức” để hướng dẫn việc sử dụng các KOL ảo.

Ngành công nghiệp ‘thần tượng ảo’ đang bùng nổ. Những người có tầm ảnh hưởng không bao giờ già đi, không có scandal và đặc biệt, luôn hoàn hảo về mặt kỹ thuật số. Tại Hàn Quốc, một quốc gia từ lâu đã bị ám ảnh bởi các tiêu chuẩn sắc đẹp hoàn mỹ, mọi thứ càng bùng nổ mạnh mẽ.

Rozy có hơn 160.000 người theo dõi trên Instagram, nơi cô thường đăng những bức ảnh về những chuyến phiêu lưu và du lịch thú vị. Lớp trang điểm luôn hoàn hảo. Từ trang phục tới phụ kiện đi kèm cũng luôn chỉn chu và vô cùng hòa hợp.

Tuy nhiên, chẳng thứ gì liên quan đến Rozy là thật. Đây là một trong những KOLs ảo ở Hàn Quốc - một con người hiển thị bằng kỹ thuật số song thật đến mức thường bị nhầm là làm ‘bằng xương bằng thịt’.

Theo công ty có trụ sở tại Seoul, đơn vị đã tạo ra Rozy, cô là sự pha trộn giữa cả thế giới thực và ảo.

“Cô ấy có thể làm mọi thứ mà con người không thể ... ở trong hình dạng giống con người nhất”, đại diện Rozy chia sẻ trên trang web của mình và cho biết Rozy đã kiếm được nhiều hợp đồng thương hiệu và tài trợ.

Được biết, công nghệ CGI (hình ảnh do máy tính tạo ra) đứng sau thành công của Rozy không phải là mới. Nó đã phổ biến khắp mọi nơi trong ngành công nghiệp giải trí và cho phép các nghệ sĩ tạo ra nhân vật ảo trong phim ảnh, trò chơi máy tính hay video âm nhạc. Tuy nhiên, chỉ mới gần đây, CGI mới được sử dụng để tạo ra những KOL ảo.

“Nhiều công ty lớn ở Hàn Quốc muốn sử dụng Rozy làm người mẫu”, Baik Seung-yup, Giám đốc điều hành của Sidus Studio X cho biết. “Trong năm 2022, có lẽ dễ dàng kiếm được hơn 2 tỷ won (khoảng 36 tỷ đồng) nhờ Rozy”.

Theo: FT, CNN


Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên