MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KPF: Giá cổ phiếu “trên mây” đến từ kỳ vọng thanh lý đầu tư?

Sau thanh lý các khoản đầu tư, KPF sẽ làm gì để tạo lợi nhuận với lượng tiền mặt lớn thu về?

Lợi nhuận đột biến nhưng hiệu quả kinh doanh không mấy khả quan

Là một trong những cổ phiếu rất đáng chú ý thời gian qua khi tăng giá hơn 700% chỉ trong vòng 2 tháng. Thế nhưng hiệu quả kinh doanh của CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh (HoSE: KPF) lại khiến các nhà đầu tư phải “ngao ngán” kể cả khi lợi nhuận năm 2017 tăng mạnh.

Theo báo cáo quý IV/2017 mới nhất lợi nhuận sau thuế của KPF tăng đột biến gấp 4 lần cùng kỳ đạt 16,2 tỷ đồng, xấp xỉ mức lợi nhuận cao kỷ lục hồi 2015 (16,3 tỷ).

Tuy nhiên, yếu tố này không được đánh giá quá cao do phần lớn lợi nhuận đột biến của KPF lại đến từ lãi do bán cổ phần chứ không phải đến từ các mảng kinh doanh chính.

Ở hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận gộp của KPF trong quý IV/2017 chỉ thu về vỏn vẹn 644 triệu đồng (cùng kỳ năm ngoái là 8,4 tỷ đồng). Điều này cho thấy biên lợi nhuận gộp của công ty rất kém hấp dẫn.

Tính chung cả năm 2017, cả doanh thu và lợi nhuận gộp của công ty đều sụt giảm. Đặc biệt biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 16% về mức 3,6%; trước đó vào năm 2015, biên lợi nhuận gộp của công ty là khoảng 27%.

KPF: Giá cổ phiếu “trên mây” đến từ kỳ vọng thanh lý đầu tư? - Ảnh 1.

Biên lợi nhuận gộp đang sụt giảm mạnh.

Mặc dù đã vượt 29% kế hoạch lãi năm 2017 với 16,5 tỷ đồng nhưng KPF lại không đáp ứng được kế hoạch doanh thu (290 tỷ) khi chỉ đạt 99,1 tỷ đồng, tương ứng thực hiện 1/3 kế hoạch.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của KPF sụt giảm 16% so với đầu năm còn hơn 212 tỷ đồng; cơ cấu tài sản cũng dịch chuyển từ đầu tư vào công ty liên kết sang tiền mặt, hiện lượng tiền của KPF khá dồi dào với 137,5 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản.

KPF: Giá cổ phiếu “trên mây” đến từ kỳ vọng thanh lý đầu tư? - Ảnh 2.

Nợ phải trả của công ty trong năm giảm mạnh về 12,5 tỷ đồng, chủ yếu là do giảm khoản phải trả người bán ngắn hạn từ 58,5 tỷ xuống 4,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng lên gần 200 tỷ nhờ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng cao.

“Ngựa ô” trên thị trường chứng khoán

Thời điểm cuối năm 2017 là khoảng thời gian đầy hưng phấn của cổ phiếu KPF. Từ vùng giá 5.320 đồng/cp (21/11), cổ phiếu KPF chính thức lao thẳng lên vùng đỉnh 42.550 đồng/cp (11/1) với nhiều phiên kịch trần. Hiện cổ phiếu đang giao dịch tại mức giá 37.500 đồng/cp, tương ứng với mức tăng hơn 700% trong vòng 2 tháng qua.

Xem thêm: Một cổ phiếu tăng 550% trong vòng 2 tháng

KPF: Giá cổ phiếu “trên mây” đến từ kỳ vọng thanh lý đầu tư? - Ảnh 3.

Giá cổ phiếu KPF trong 6 tháng qua.

Với mức tăng giá mạnh này, KPF chính là cổ phiếu có mức tăng cao nhất thời điểm cuối năm 2017, vượt qua cả những cổ phiếu "hot" mới nổi khác như HVA, ASA,…

Mức độ thanh khoản của KPF trong khoảng thời gian tăng giá cũng tăng cao hơn với mức trung bình 78.000 cp/phiên (mức trung bình 1 năm qua chỉ là 33.000 cp/phiên).

Sự tăng mạnh về cả giá và khối lượng giao dịch của KPF được xây dựng từ đâu? Câu trả lời phần nào đó là từ kỳ vọng lãi đột biến trong quý IV/2017 vừa qua, mà chính xác hơn là lợi nhuận thu được từ thanh lý các khoản đầu tư của công ty.

Sau thanh lý vốn đầu tư, trông đợi gì từ KPF?

KPF tiền thân là CTCP Tư vấn dự án quốc tế KPF được thành lập năm 2009 hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 lĩnh vực chính gồm khai thác cát sông Hồng, phát triển dự án nông nghiệp công nghệ cao và góp vốn đầu tư bất động sản.

Nhằm quản lý và đẩy mạnh các lĩnh vực kinh doanh chính, KPF đã thành lập và góp vốn vào các công ty liên kết để thực hiện các dự án. Cụ thể, trong lĩnh vực khai thác, KPF có 2 công ty liên kết là CTCP Đầu tư Tam Hà và CTCP Phú Gia Hà Nam; thông qua CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Phú Gia để thực hiện các dự án xây dựng và CTCP Đầu tư nông nghiệp Hà Nam để triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam.

Đây cũng là 4 khoản đầu tư đem lại nguồn lợi lớn cho công ty thời gian qua. Tuy nhiên, mới đây KPF thông báo đã thực hiện thoái toàn bộ vốn tại một loạt các công ty trên; đồng thời thu hồi và thanh lý tất cả các khoản đầu tư, hợp tác kinh doanh, các khoản vay. Đây cũng là lý do khiến cho lợi nhuận quý IV của Công ty tăng đột biến.

Tổng giá trị các khoản thoái vốn tại các đơn vị của KPF là 155,4 tỷ đồng; đem về mức lãi bán cổ phần gần 16 tỷ đồng và 5 tỷ tiền lãi thu của các tổ chức, cá nhân là nguyên nhân chính giúp doanh thu tài chính cũng như giá cổ phiếu công ty tăng mạnh. Ngược lại, KPF chỉ đầu tư mới vào Công ty TNHH đầu tư Cam Lâm.

KPF: Giá cổ phiếu “trên mây” đến từ kỳ vọng thanh lý đầu tư? - Ảnh 4.

KPF đã thoái hết vốn tại nhiều đơn vị.

Câu hỏi được đặt ra là KPF sẽ làm gì sau khi thoái toàn bộ vốn khỏi các “nồi cơm” của mình? Bởi xét cho cùng thì lợi nhuận đến từ thanh lý đầu tư là không bền vững; trong khi đó mảng kinh doanh chính lại có dấu hiệu sụt giảm.

Với lượng tiền mặt dồi dào chiếm 65% tổng tài sản, KPF phải tự tìm đường ra cho dòng tiền nhàn rỗi; có lẽ điều tốt hơn cho cổ đông là tập trung cải thiện hiệu quả mảng kinh doanh chính cũng như tái đầu tư dòng tiền vào các dự án hiệu quả hơn để đáp ứng kỳ vọng quá lớn đang thể hiện trên giá cổ phiếu này.

Theo Huy Lê

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên