KRX lại lỡ hẹn với nhà đầu tư
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý cần hoàn thiện hệ thống pháp lý cho KRX rồi mới tính đến chuyện vận hành
- 06-05-2024Vốn hóa 2 “gã khổng lồ” Viettel Global và ACV cộng lại vượt xa tổng giá trị toàn bộ 321 DNNY trên HNX, đừng quên “mỏ vàng” UPCoM vẫn còn một loạt cái tên “hot”
- 05-05-2024Tướng công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán
- 05-05-2024Góc nhìn chuyên gia: Rung lắc có thể sớm xuất hiện, tận dụng cơ hội "săn" nhóm cổ phiếu có triển vọng tích cực trong quý 2
Trong lúc thị trường và nhà đầu tư đang hào hứng về việc hệ thống KRX sẽ bắt đầu vận hành (go-live) vào ngày 2-5 theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước ngay ngày giao dịch cuối tháng 4 đã có công văn hỏa tốc khẳng định chưa đủ cơ sở để chấp thuận việc đưa hệ thống này vào vận hành chính thức. Nhà đầu tư chứng khoán một lần nữa lỡ hẹn với hệ thống này.
Liên tục lỡ hẹn
KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được HoSE ký kết triển khai với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc vào năm 2012. Việc triển khai KRX được kỳ vọng mang lại hàng loạt thay đổi tích cực cho thị trường chứng khoán trong nước như giao dịch T+0, bán khống, quyền chọn dự kiến... Tuy nhiên, sau khi ký kết, việc triển khai KRX vì nhiều lý do đã bị "lãng quên" nhiều năm.
Đến giai đoạn 2020-2021, khi thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn bùng nổ, hệ thống cũ thường xuyên nghẽn lệnh, KRX mới được nhắc tới và tái khởi động sau đó. Dù vậy, mãi đến đầu năm 2023, khi Chính phủ và UBCK Nhà nước quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán, KRX mới được đẩy mạnh.
HoSE bắt đầu thử nghiệm kết nối với các công ty chứng khoán thành viên nhiều hơn và kỳ vọng vận hành KRX ngay trong năm 2023. Trong đó, cột mốc vận hành KRX vào tháng 12-2023 được nhiều người nhắc đến.
Nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán từng có đợt sóng bứt phá mạnh vào cuối năm 2023 theo sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy vậy, khi cột mốc 12-2023 qua đi, KRX chưa thể vận hành khiến không ít nhà đầu tư thất vọng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống KRX tiếp tục được kiểm thử, kết nối với các công ty chứng khoán thành viên. Kết quả các đợt thử nghiệm liên tục rò rỉ khiến nhà đầu tư tin tưởng KRX sắp sửa vận hành với nhiều tính năng mới. Nhờ đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng giá mạnh, góp phần vào đà tăng của thị trường.
Tại mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vào tháng 4 vừa qua, nhiều cổ đông đã hỏi lãnh đạo công ty chứng khoán về độ tương thích, mốc thời gian vận hành chính thức của KRX. Trả lời cổ đông, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho hay KRX sẽ chính thức vận hành vào đầu tháng 5 theo tinh thần chung của các đơn vị tham gia dự án, nếu không có gì thay đổi.
Theo lãnh đạo VDSC, các công ty tham gia đợt kiểm thử KRX vào tháng 4 đều hoàn thành 100%. Khi KRX vận hành sẽ có nhiều sản phẩm mới như bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày (T+0)... Những tính năng mới này sẽ tác động tích cực tới thanh khoản thị trường và giúp công ty chứng khoán hưởng lợi.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI, cũng "khoe" với cổ đông: "SSI là một trong số ít công ty chứng khoán trả lời UBCK Nhà nước rằng đã ready (sẵn sàng) để go-live hệ thống KRX". Theo ông, Chính phủ cùng cơ quan quản lý đã đi đúng hướng trong việc triển khai KRX và quyết tâm nâng hạng thị trường, vì đó là điều kiện tất yếu để thị trường chứng khoán phát triển. "KRX khi vận hành, trước mắt chưa mang lại nhiều cái mới, thị trường sẽ chưa thay đổi nhiều. Nhưng trong tương lai, đây là cơ sở để đưa những sản phẩm mới cho thị trường, thu hút nhà đầu tư" - ông Hưng nhìn nhận.
Kỳ vọng lớn nên khi UBCK Nhà nước chưa đồng ý cho HoSE vận hành hệ thống KRX từ ngày 2-5, không ít nhà đầu tư và cả các thành viên thị trường tỏ ra khá thất vọng. Bởi lẽ, trong tuần cuối tháng 4-2024, nhiều công ty chứng khoán đã hào hứng gửi thông báo cho khách hàng, nhà đầu tư về việc đã sẵn sàng để giao dịch trên hệ thống mới ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Anh Hoàng Thanh (ngụ quận 4, TP HCM) cho biết đang nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu công ty chứng khoán lớn trong danh mục với kỳ vọng khi hệ thống KRX vận hành và lộ trình nâng hạng thị trường sẽ giúp thị trường chứng khoán bùng nổ, cổ phiếu chứng khoán được hưởng lợi. "Đợt sụt giảm hơn 100 điểm vừa rồi của thị trường khiến giá trị cổ phiếu của tôi giảm 10%-15% nhưng tôi vẫn chưa bán. Nay hệ thống KRX lại lỡ hẹn, tôi khá thất vọng và lo lắng, chưa biết có nên tiếp tục nắm giữ dòng cổ phiếu này hay không" - anh băn khoăn.
Chậm cho chắc?
Trong khi đó, một số nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho rằng việc chưa đưa vào vận hành KRX khi chưa chắc chắn là điều cần thiết.
"Cần bảo đảm thật kỹ trước khi vận hành chính thức để không xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Vì nếu có trục trặc, ai sẽ chịu trách nhiệm? Theo tôi, nên cho chạy song song hệ thống hiện tại và KRX để đối chiếu, khi ổn định thì cơ quan quản lý mới quyết định thay thế, còn không thì nên xóa luôn KRX thay vì để kéo dài hơn chục năm qua" - ông Nguyễn Văn An (ngụ quận 3, TP HCM), một nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều năm nay, đề xuất.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định việc lùi vận hành KRX một lần nữa không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường, cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng đối với nhà đầu tư. Bởi lẽ, mục tiêu vận hành KRX là nhằm bảo đảm tính an toàn cao hơn, độ rủi ro thấp hơn, giao dịch mượt hơn so với những hệ thống hiện nay. KRX là cơ sở để cơ quan quản lý thêm những tính năng và sản phẩm mới như phái sinh đến từng mã cổ phiếu; rút ngắn thời gian giao dịch về T+0 hay bán không cổ phiếu khống... "Có chăng, KRX tác động tới tâm lý nhà đầu tư là chính, chứ không hẳn là ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình giao dịch của nhà đầu tư" - ông Phương nhận định.
Theo các công ty chứng khoán, vận hành KRX thì dễ nhưng phải giả lập rất nhiều tình huống có thể xảy ra và giải pháp xử lý. Ông Phương nêu quan điểm: "Phải có sự kết nối thông suốt giữa các bên liên quan. Chỉ cần bất ổn, chưa xử lý rốt ráo cũng khiến cơ quan quản lý lo lắng. Sự cẩn trọng từ cấp lãnh đạo là dễ hiểu và đây là điều cần thiết. Chậm một chút mà an toàn hơn và độ tuyệt đối cao hơn thì vẫn hay hơn".
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Đông Á (DAS), cho rằng những vấn đề mà UBCK Nhà nước nêu ra trong công văn khẩn gửi HoSE về việc "chưa đủ điều kiện để vận hành KRX" là hợp lý. Việc vận hành một hệ thống giao dịch chứng khoán mới là rất quan trọng; khi vận hành phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống, cho nhà đầu tư.
"Vấn đề đặt ra hiện giờ là tiêu chuẩn để vận hành KRX ở mức nào? Cần đạt tiêu chuẩn gì để được vận hành?" - ông Tuấn nêu ý kiến, đồng thời đề nghị cơ quan quản lý cần hoàn thiện hệ thống pháp lý cho KRX rồi mới tính đến chuyện vận hành. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư vẫn phải chờ.
"Tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ không quá thất vọng khi KRX chưa vận hành, một phần vì họ đợi quá lâu nên bớt hào hứng, kỳ vọng. Bản thân nhà đầu tư cũng chưa biết KRX khác gì so với hệ thống giao dịch hiện tại, ảnh hưởng như thế nào đến cách đặt lệnh, có loại lệnh nào mới hay không, dễ hay khó đặt lệnh, thời gian giờ giấc ra sao… Khi nhà đầu tư chưa hình dung được thì họ không lo. Ngay cả các công ty chứng khoán khi tiến hành kiểm thử KRX thì họ cũng chỉ làm theo và tự "rút kinh nghiệm" mà không có hướng dẫn chi tiết hay theo quy trình bằng văn bản chính thức nào" - ông Tuấn phân tích.
Cần phối hợp chặt chẽ hơn
Qua một số chỉ đạo thiếu ăn khớp giữa UBCK Nhà nước với HoSE như vừa qua - có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng UBCK Nhà nước cần sâu sát và phối hợp chặt chẽ hơn với tất cả thành viên của thị trường, từ các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký... trong việc triển khai, vận hành KRX.
"UBCK Nhà nước phải là bên trong cuộc, phải sâu sát, đôn đốc các bên trong cả tiến trình chứ không phải "chờ báo cáo, để thẩm định". Bởi lẽ, phải theo sát thì mới kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ hay kiến nghị cơ quan cấp cao hơn giải quyết…" - ông Hải nhận xét.
Người Lao Động