MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KTNN ngày càng có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng

11-07-2024 - 10:41 AM | Tài chính - ngân hàng

KTNN đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...

Sáng ngày 11/7/2024, Kiểm toán nhà tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2024) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.

KTNN ngày càng có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng- Ảnh 1.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, khởi đầu từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân và tiền lệ về hoạt động, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán, đến nay, KTNN đã có nhiều bước chuyển mình đột phá.

Năm 2005, địa vị pháp lý của KTNN đã được luật định và đặc biệt đến năm 2013 đã được hiến định: "KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công"; nâng vai trò, vị thế của KTNN lên một tầm cao mới. Cùng với đó, hoạt động KTNN đã được ghi nhận trong hơn 35 Bộ luật và luật liên quan. Đó là minh chứng, đồng thời là sự khẳng định, ghi nhận thành quả của sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động KTNN trong suốt 30 năm qua đã tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện; niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với KTNN ngày càng tăng.

30 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, KTNN luôn chủ động bám sát mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Đến nay, KTNN đã phát triển với 32 đơn vị cấp Vụ và tương đương, gồm: 09 đơn vị tham mưu, 08 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực, 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng số công chức, viên chức, người lao động đến nay là hơn 2.000 người.

Thành tựu được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao là từ khi thành lập đến nay, KTNN đã thực hiện khoảng 3.600 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 740 nghìn tỷ đồng, (từ năm 2011-2023 kiến nghị tài chính trên 650 nghìn tỷ đồng); trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng số kiến nghị kiểm toán; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 2.200 văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản quản lý có nội dung không phù hợp, mâu thuẫn hoặc chồng chéo, kịp thời khắc phục "lỗ hổng" về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Đồng thời, KTNN đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật. KTNN đã cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...

KTNN đã và đang phát triển trở thành công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

KTNN ngày càng có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng- Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phát biểu chúc mừng Kiểm toán nhà nước

Xuyên suốt quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm "Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập", KTNN luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó; luôn đổi mới, sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; góp phần quan trọng vào sự minh bạch, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, hoàn hiện thể chế của đất nước.

Ghi nhận những đóng góp của KTNN, trong 30 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân đã được trao tặng các danh hiệu cao quý. Tại Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, KTNN được lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhằm ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc, những đóng góp lớn lao của KTNN đối với đất nước trong suốt những năm qua.

KTNN ngày càng có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng- Ảnh 3.

KTNN được lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất

Tại lễ kỷ niệm 30 năm, Lãnh đạo KTNN cũng đã đề ra định hướng cho tương lai của chặng đường sắp tới với mục tiêu trọng tâm là: "Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước".

Để thực hiện được mục tiêu trên, KTNN sẽ thực hiện ba trụ cột: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ.

Theo đó, khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở rà soát, tổng kết, đánh giá Luật KTNN để đề xuất các chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của KTNN. Bên cạnh đó, ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN mới, hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nội dung sửa đổi, bổ sung của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Về nguồn nhân lực, phát huy những thành tựu đã đạt được, giai đoạn tới, KTNN sẽ tập trung đào tạo công chức, kiểm toán viên nhà nước "vừa hồng, vừa chuyên", "nghệ tinh, tâm sáng"; bên cạnh nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đặc biệt quan tâm đào tạo về đạo đức công vụ, giúp cho đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành...

Về công nghệ, KTNN sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của Ngành, trọng tâm là hoạt động kiểm toán, phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển của kinh tế số. Đồng thời, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ dựa trên dữ liệu số, AI, điện toán đám mây vào hoạt động kiểm toán; hình thành hệ thống nền tảng quản trị thông minh cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số; đến năm 2025 cơ bản hình thành kiểm toán số.

H. Kim

An ninh Tiền tệ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên