Nguyên Tổng KTNN Đỗ Bình Dương: Mình kiểm toán người ta, trước hết phải hơn người ta
Theo ông Đỗ Bình Dương, kiểm toán phải làm cho người ta tâm phục, khẩu phục, trước hết là về mặt tư cách đạo đức. Làm thế nào để nếu kiểm toán đi vắng 3 ngày, xã hội đã hỏi kiểm toán đi đâu, còn nếu chúng ta ra đảo chơi 1 năm người ta không biết kiểm toán có làm việc hay không thì đó là không đạt yêu cầu.
Sáng ngày 11/7/2024, Kiểm toán nhà nước tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2024) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Đỗ Bình Dương, Nguyên Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, ông rất phấn khởi trước sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ với những dấu ấn và thành tựu nổi bật của KTNN trong 30 năm qua.
Cách đây 30 năm, ngày 11/7/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/CP về việc thành lập KTNN. Đây là căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như một tuyên ngôn "khai sinh" KTNN. Khi đó, KTNN là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
Sự hình thành và phát triển KTNN ở Việt Nam tuy không có tiền lệ, không có tổ chức tiền thân trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhưng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế hội nhập, phát triển của các quốc gia trên thế giới. KTNN ra đời là tất yếu khách quan khi nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải tăng cường giám sát, quản lý kinh tế, đảm bảo nền tài chính vững mạnh và minh bạch.
Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của KTNN luôn gắn liền với những sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, ghi dấu những mốc son đáng tự hào. Sau 2 năm thành lập KTNN, năm 1996, địa vị pháp lý của KTNN đã được quy định tại Điều 73 Luật Ngân sách nhà nước: KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ. Ngày 14/6/2005, Luật KTNN đã được Quốc hội khoá XI thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006, mở ra một thời kỳ phát triển mới của KTNN. Đến năm 2013, địa vị pháp lý của KTNN được quy định tại Điều 118 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: "KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công". Từ năm 2005 đến nay, Luật KTNN đã 3 lần được sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN ngày càng khẳng định là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. KTNN có chức năng cực kỳ quan trọng, đó là phát hiện những thiếu sót của pháp luật để kiến nghị bổ sung, thay thế, đảm bảo hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn. Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách của KTNN đã góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế.
Có thể nói, đến nay, sau 30 xây dựng và trưởng thành, KTNN đã tạo dựng được niềm tin đối với Nhân dân, với Đảng, Nhà nước với nhiều thành tựu đáng tự hào. Điều quan trọng nhất là kết quả kiểm toán của KTNN giúp cho việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đi vào nề nếp, ngăn chặn thất thoát, lãng phí, tham nhũng, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.
Nhớ về những năm tháng từng gắn bó với KTNN, ông Đỗ Bình Dương cho biết đó là những ngày tháng không bao giờ quên. "Với tôi, quá trình xây dựng Luật KTNN năm 2005 có lẽ là những tháng ngày không thể nào quên. Khó khăn lúc đó là KTNN không có kinh nghiệm gì về việc xây dựng Luật. Hơn nữa, ở thời điểm đó, việc xây dựng Luật KTNN cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vượt qua những khó khăn, thử thách, tôi đã cùng với Ban soạn thảo nghiên cứu thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn và áp dụng cho phù hợp với Việt Nam. Tôi quan niệm, những gì thế giới đã làm được và đưa vào luật của họ là cả một quá trình, cũng là tinh hoa trí tuệ của họ và điều quan trọng nhất là chúng ta Việt hóa để phù hợp với điều kiện của mình. Bên cạnh những khó khăn, điều đặc biệt thuận lợi lúc đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ... đã hỗ trợ, góp sức để KTNN hoàn thiện Luật KTNN. Luật KTNN đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Đó là một bước ngoặt lớn của KTNN, là điều kiện, chỗ dựa vững chắc để KTNN hoạt động" – Nguyên Tổng kiểm toán Đỗ Bình Dương chia sẻ.
Trong thời gian làm Tổng Kiểm toán nhà nước, ông coi trọng nhất vấn đề nhân sự. KTNN có một khẩu hiệu: Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng. Cho đến bây giờ, KTNN vẫn dùng khẩu hiệu này và tất nhiên nó ở mức cao hơn và sâu hơn. Từ thời Tổng Kiểm toán Vương Hữu Nhơn, Phó Tổng Kiểm toán Hà Ngọc Son, đến thời ông và sau này, KTNN luôn giáo dục kiểm toán viên giữ gìn phẩm chất đạo đức. Đây là đòi hỏi số 1 trong nghề kiểm toán và đòi hỏi ngày càng cao hơn. Phẩm chất đạo đức quyết định đến chất lượng của hoạt động kiểm toán.
"Khi còn công tác, tôi vẫn nói với anh em: Mình kiểm toán người ta, trước hết mình phải hơn người ta; thứ hai là anh phải làm cho người ta tâm phục, khẩu phục, trước hết là về mặt tư cách đạo đức. Làm thế nào để nếu chúng ta đi vắng 3 ngày, xã hội đã hỏi kiểm toán đi đâu, còn nếu chúng ta ra đảo chơi 1 năm người ta không biết kiểm toán có làm việc hay không thì đó là không đạt yêu cầu. Vấn đề quan trọng là, chúng ta phải nỗ lực làm việc, làm việc có trách nhiệm, có chất lượng và đặc biệt phải có phẩm chất đạo đức" – ông nói.
Nguyên Tổng kiểm toán cũng chia sẻ, một điều mà ông vẫn đau đáu cho đến bây giờ là làm sao để nâng cao chất lượng và đạo đức kiểm toán viên. Hằng năm, KTNN cần phải kiểm tra trình độ, năng lực và phẩm chất của kiểm toán viên, nếu không đủ năng lực, trình độ, phẩm chất thì phải loại ra khỏi Ngành và ông rất vui vì trong 2 năm qua, Ban Lãnh đạo KTNN hiện tại đã và đang triển khai tốt điều mong mỏi này.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, KTNN phải nhanh chóng nắm bắt và phải đào tạo được đội ngũ cán bộ giỏi về công nghệ để thực hiện kiểm toán trên môi trường số. Đồng thời, KTNN cần đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá, xác định những vấn đề còn chưa thực hiện trong cuộc sống và có ý kiến trước khi nó được triển khai. Để có thể ngăn chặn từ sớm, từ xa những sai sót có thể mắc phải, gây thất thoát, lãng phí tiền và của cải của Nhà nước và Nhân dân. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên phải có trình độ nghề nghiệp cao.