MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kuwait bị hoãn nâng hạng Emerging Markets vì ảnh hưởng của Covid-19, tin kém vui với chứng khoán Việt Nam

Việc Kuwait bị hoãn nâng hạng thị trường là thông tin không mấy tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam bởi lẽ điều này sẽ khiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục Frontier Markets chưa sớm được gia tăng, kéo theo sự hạn chế của dòng vốn ngoại.

Mới đây, tổ chức xếp hạng và xây dựng chỉ số MSCI, thông báo sẽ hoãn việc nâng hạng Kuwait từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi (Emerging Markets) được dự kiến ban đầu diễn ra vào tháng 5/2020.

Mặc dù Kuwait vẫn thỏa mãn tất cả các điều kiện cần thiết để có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi nhưng tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu đã tạo ra khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp của quá trình nâng hạng của Kuwait.

Đơn cử, theo MSCI, nhà đầu tư và những người tham gia thị trường khác, hiện đang gặp khó khăn trong việc mở tài khoản chứng khoán mới để giao dịch các cổ phiếu của Kuwait, do hoạt động này đang bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Do vậy, nhằm đảm bảo quá trình chuyển tiếp diễn ra mà không gây xáo trộn trên thị trường chứng khoán cũng như đảm bảo sự công bằng cho các nhà đầu tư, MSCI đã ra quyết định rời thời điểm nâng hạng Kuwait từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sang tháng 11/2020.

Có thể nói, việc Kuwait bị hoãn nâng hạng thị trường là thông tin không mấy tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam bởi lẽ điều này sẽ khiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục Frontier Markets chưa sớm được gia tăng, kéo theo sự hạn chế của dòng vốn ngoại.

Tại thời điểm đầu tháng 3, Kuwait là thị trường lớn nhất trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index với tỷ trọng 38,15%, trong khi thị trường Việt Nam xếp thứ 2 với 15,09%. Trong khi đó, với rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index, thị trường Kuwait chiếm tỷ trọng lớn nhất với 28,73%, trong khi Việt Nam xếp thứ 3 với 11,06%.

Kuwait bị hoãn nâng hạng Emerging Markets vì ảnh hưởng của Covid-19, tin kém vui với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index vào đầu tháng 3 là 15,09%

Theo ước tính của MSCI, trong trường hợp Kuwait được nâng hạng Emerging Markets, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait trở thành thị trường lớn nhất trong Frontier Markets với tỷ trọng 25,2% trong rổ MSCI Frontier Markets Index và 30% trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index, tăng mạnh so với hiện nay.

Hiện có khá nhiều quỹ chủ động với quy mô hàng trăm triệu USD sử dụng MSCI Frontier Markets Index làm chỉ số cơ sở như Schroder International Selection Fund, Templeton Frontier Markets Fund, Morgan Stanley Institutionam Fund, Magna Umbrella Fund,…Trong khi đó, quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF với quy mô khoảng 400 triệu USD sử dụng benchmark MSCI Frontier Markets 100 Index. Việc Kuwait chưa được nâng hạng vào tháng 5 này cũng kéo theo dòng vốn Frontier Markets vào Việt Nam bị trì hoãn.

Kuwait bị hoãn nâng hạng Emerging Markets vì ảnh hưởng của Covid-19, tin kém vui với chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2.

Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục MSCI Frontier Markets Index ước tính tăng lên 25,2% khi Kuwait được nâng hạng

Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), thông tin Kuwait chưa được nâng hạng là điều không mấy tích cực với Việt Nam. Tuy nhiên, BVSC đánh giá tác động tiêu cực này sẽ không quá đáng kể, do 2 lý do sau đây.

Thứ nhất, thị trường mới nổi và cận biên nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng vẫn đang tiếp tục chịu áp lực bán ròng của khối ngoại. Do vậy, kể cả khi việc nâng hạng của Kuwait vẫn diễn ra vào tháng 5/2020 và tỷ trọng của Việt Nam trong 2 chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index và MSCI Frontier Markets Index tăng lên, dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không quá lớn, nhất là khi so sánh với các dự phóng trong quá khứ, do bản thân các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi và cận biên cũng đang bán ròng.

Thứ hai, trong tổng số 10 quỹ tracking hoặc benchmarking theo chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index và MSCI Frontier Markets Index có tới 9 quỹ là quỹ đầu tư chủ động. Do vậy, trong bối cảnh rủi ro toàn cầu đang tăng cao và xu hướng bán ròng tại thị trường mới nổi và cận biên vẫn đang diễn ra, nhiều khả năng các quỹ chủ động sẽ chưa thực hiện ngay việc điều chỉnh cần thiết kể cả khi việc hoãn nâng hạng không diễn ra.

Minh Anh

Trở lên trên