Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Doanh nghiệp kinh doanh khóc ròng sau... siêu bão
Bão số 10 đi qua không chỉ khiến cho người dân tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị thiệt hại nặng nề mà các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, nuôi trồng thủy hải sản, trồng rừng nguyên liệu,... cũng đều điêu đứng.
- 19-09-2017Hà Tĩnh: Lợi dụng bão số 10 để tăng giá… sẽ rút giấy phép kinh doanh
- 16-09-2017Tại sao hàng nghìn trụ điện trung thế gãy đổ trong bão số 10?
- 16-09-2017[Ảnh]: Bão số 10 chưa tan, hàng nghìn người dân Hà Tĩnh vội vã bắt xe về nhà
Doanh nghiệp nhỏ, lẻ có nguy cơ phá sản
Những ngày vừa qua, khi cơn bão số 10 đổ bộ vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh), PV Báo điện tử Infonet đã trực tiếp ghi nhận khung cảnh kinh hoàng do cơn bão tàn phá vùng đất này. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, Kỳ Anh gần như trở về "thời kỳ đồ đá": Hệ thống giao thông tê liệt; cột sóng truyền hình đổ sập; cột phát sóng của các nhà mạng, hệ thống cột điện, đường điện sập, nằm ngang ngửa trên đường; nhà dân, các vườn cây, các hợp tác xã chăn nuôi bị hư hỏng hoàn toàn…
Dãy cột điện bị xô nghiêng bên vệ đường.
Theo ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, bên cạnh những hộ dân bị bão làm cho tốc mái, hư hại nhà cửa và hoa màu thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bị siêu bão tàn phá đến mức gần như khánh kiệt sau bao năm tích lũy.
Ông Vĩnh cho biết thêm, những đơn vị, cá nhân kinh doanh nhỏ và lẻ dọc 2 bên QL 1A bị bão quét sạch không còn một thứ gì. Nguyên nhân là do họ đầu tư xây dựng các nhà kho, ki ốt, nhà xưởng, biển hiệu quảng cáo bằng các vật liệu dễ bị thổi bay như: khung sắt, nhôm, kính, ngói… nên khi bão số 10 đổ bộ với sức gió giật mạnh đến cấp 15, toàn bộ các tài sản này đã bị "xóa sổ".
Hàng trăm các cơ sở kinh doanh, ki ốt bị bão làm biến dạng.
Rất nhiều cửa hàng vừa mới đầu tư xong hàng tỉ đồng đều bị siêu bão cuốn sạch, như cửa hàng điện máy, nhà máy bia tươi; một số nhà nghỉ, khách sạn cũng bị bão làm hư hỏng nặng, thiệt hại lớn.
Bên cạnh đó, các kho hàng như: xi măng, gạo cũng bị gió giật tung, hàng hóa bị ướt hết, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
“Giờ các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ tại Kỳ Anh gần như phá sản sau bao nhiêu năm làm ăn tích lũy” – ông Vĩnh nói.
Ông Tuấn, chủ khách sạn Tuấn Phát tại thị xã Kỳ Anh mếu máo cho PV hay: Dân miền Trung vừa trải qua sự cố môi trường, kinh doanh ế ẩm, nay lại dính siêu bão, hệ thống kính cường lực, nhà kho, các biển hiệu, đèn Led gần như “đi” hết, tôi tính nhẩm đã thấy bão nó lấy của tôi khoảng trên 300 triệu đồng.
Hàng trăm hecta nuôi trồng thủy sản bị "xóa sổ"
Ngoài các hộ kinh doanh nhỏ bị siêu bão xóa sổ thì các đơn vị, cá nhân nuôi trồng thủy hải sản cũng thiệt hại hết sức nặng nề.
Hồ nuôi tôm trên cát của Công ty TNHH Growbets bị bão tàn phá.
Theo số liệu chưa đầy đủ đến thời điểm này thì hiện ở thị xã Kỳ Anh có khoảng hơn 530ha diện tích nuôi tôm của các đơn vị và người dân bị mất trắng.
Điều đáng nói, đây là thời điểm mà người dân đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch sau một thời gian đình trệ vì sự cố môi trường, vừa mới nâng cấp, tu sửa hạ tầng.
Hệ thống bờ kè bảo vệ hồ tôm của Công ty Growbets tan hoang vì bão.
Theo đại diện Công ty TNHH Growbets Hà Tĩnh (đơn vị đầu tư nuôi tôm trên cát) cho biết: Các hồ tôm chuẩn bị cho thu hoạch giờ coi như mất trắng, cơ sở hạ tầng bị bão cuốn trôi, hệ thống kè chắn biển của Công ty cũng bị bão làm cho tan hoang hết cả.
Doanh nghiệp có 3ha tôm loại 70-80 con/kg (trọng lượng ước đạt 60 tấn); 13ha tôm trọng lượng 100-120 con/kg và 5ha tôm giống mới thả bị "cuốn trôi" theo cơn bão số 10. Ngoài ra, hệ thống bạt lót, máy phát điện, máy bơm bị hư hỏng hoàn toàn
"Giờ chúng tôi cũng chưa thể thống kê hết thiệt hại do bão gây ra, chỉ biết rằng phải mất thời gian dài cùng rất nhiều tiền của, công sức mới khôi phục lại được", vị đại diện Công ty này cho biết.
Ông Nguyễn Tiến, trú tại xã Kỳ Ninh (một hộ nuôi tôm) thất thần nhìn hồ tôm chuẩn bị cho thu hoạch bỗng dưng trắng tay vì bão nói: Bão “quây” suốt mấy tiếng đồng hồ kèm theo mưa lớn nên tôi trở tay không kịp.
“Bao công sức, tiền của chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đã bị cuốn bay. Chỉ tính riêng thiệt hại về tôm giống, gia đình tôi mất trắng vài trăm triệu đồng” – ông Tiến nói.
Khu kinh tế Vũng Áng tiêu điều sau bão
Ngoài các đơn vị, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ tại thị xã Kỳ Anh bị bão làm cho gần như “tán gia bại sản” thì các doanh nghiệp tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng cũng hoang tàn, tiêu điều vì bão.
Tại KKT Vũng Áng có 28 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão. Hiện tại, vẫn chưa thể thống kê con số cụ thể số tiền mà các doanh nghiệp này bị bão tàn phá.
Trụ sở Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí tan hoang sau bão.
Ông Vũ Ngọc Thành, Chánh Văn phòng Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho hay, sau khi bão tan, chúng tôi đã đi thị sát một số đơn vị để nắm bắt tình hình thiệt hại do cơn bão gây ra và động viên các đơn vị yên tâm khắc phục hậu quả của cơn bão.
Tại Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, bão đã làm sập kho than nhà máy điện, lượng than chỉ đủ dùng trong 24h tới; hệ thống băng chuyền từ cảng vào các xưởng bị hư hỏng, gãy, sập nhiều đoạn; mái tôn xưởng luyện thép bị gió bão thổi bay; các công trình như ký túc xá, văn phòng bị gió thổi làm bể kính, nước mưa tạt vào làm hỏng một số thiết bị.
Kho chứa than của nhà máy điện tại Công ty Formosa bị đánh sập.
Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào cũng bị bão số 10 tàn phá hết sức nặng nề.
Theo ông Đinh Thế Cường – Giám đốc Công ty này cho biết: Nhà kho số 2 của Công ty bị tốc mái làm toàn bộ số quặng bị ướt và tạp chất lẫn vào, các nhà kho còn lại bị ướt khoảng 115 tấn Kali; hệ thống điện bị hư hỏng nặng.
“Thiệt hại ước tính ban đầu theo chúng tôi tính toán khoảng 1,6 tỉ đồng”, ông Cường cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì đến thời điểm hiện tại, tại tỉnh Hà Tĩnh có hơn 63.000 nhà dân bị đổ, tốc mái; trong đó TX Kỳ Anh có 17.500 nhà, huyện Kỳ Anh 23.500 nhà, huyện Cẩm Xuyên 20.000 nhà, huyện Lộc Hà 749 nhà, huyện Nghi Xuân 50 nhà, huyện Thạch Hà 570 nhà, TP Hà Tĩnh 640 nhà, Can Lộc gần 500 nhà, Đức Thọ 3 nhà, Hương Khê 1 nhà; nhiều trường học, trạm y tế và một số đơn vị, cơ quan bị tốc mái chưa thống kê hết.
Toàn tỉnh có trên 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000ha nước ngọt và 1.100ha mặn lợ (800ha tôm và 300ha nhuyễn thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn.
Gần 1.000ha lúa mùa, nhiều diện tích rau màu bị ngập, hư hỏng; khoảng 8.000ha cây ăn quả, trong đó có 2.000ha bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch và 6.000ha cam rất nhiều quả bị hư hại.
Infonet