Kỳ họp đặc biệt với nhiều vấn đề dân sinh nóng bỏng
Hôm nay (20/5), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Đây được xem là kỳ họp đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước. Tuy là kỳ họp giữa năm và không tổ chức phiên chất vấn trực tiếp như thường lệ, nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ sôi động với rất nhiều vấn đề thời sự nóng được đại biểu, cử tri quan tâm, kỳ vọng.
Nhiều vấn đề nóng bỏng cần được làm rõ
Là người đại diện cho cử tri, tiếng nói của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng là tiếng nói của cử tri. Cử tri rất kỳ vọng vào các kỳ họp Quốc hội để có điều kiện hiểu hết được mọi vấn đề của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Cũng thông qua kỳ họp, thông qua ĐBQH, tâm tư, nguyện vọng cử tri được truyền tải tới Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cử tri.
Hướng tới kỳ họp Quốc hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm tới một số vấn đề nóng bỏng đã và đang diễn ra. Cử tri mong muốn qua diễn đàn Quốc hội, các cơ quan lên tiếng, giải đáp để cử tri khỏi băn khoăn. Điển hình như vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn nhiều băn khoăn về quy trình tố tụng. Người dân có nhiều suy nghĩ về việc này và mong muốn Quốc hội có thông tin để người dân hiểu rõ hơn.
Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri đánh giá cao những giải pháp đề ra trong việc phòng chống dịch COVID-19. Các nước lớn trên thế giới để dịch bệnh lan rộng, nhiều người tử vong, nhưng Việt Nam khống chế thành công được dịch COVID-19. Tại Việt Nam, có sự đồng bộ trong chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cả hệ thống chính trị các cấp, từ đó đã đạt được những thành công lớn. Có thể nói người dân rất tự hào về việc phòng chống dịch vừa qua. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng chờ đợi các quyết sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn sau dịch bệnh.
Cũng do tác động bởi dịch bệnh, kỳ họp này có nhiều đổi mới khi tổ chức phương thức họp trực tuyến trong đợt đầu. Đại biểu các địa phương có mặt tại 63 điểm cầu, dù không đến Nhà Quốc hội tại Hà Nội nhưng vẫn có thể họp được, biểu quyết, tranh luận được. Đây là bước đổi mới lớn trong việc áp dụng công nghệ thông tin. Cho dù bước đầu có thể xảy ra một số vướng mắc nhất định nhưng đó là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
“Nóng” vụ Ðường “Nhuệ”, Hồ Duy Hải
ĐBQH Phạm Văn Hòa
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian làm công tác nhân sự, xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều dự án, trong đó có Luật sửa đổi tổ chức Quốc hội, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường… Rất nhiều dự án luật có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến đời sống người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đã để lại hậu quả rất lớn cho nền kinh tế, tác động trực tiếp đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn này, cử tri rất kỳ vọng vào các giải pháp tới đây để đạt được “mục tiêu kép” đề ra.
Trong lĩnh vực tư pháp, hiện nay Quốc hội, đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến nhiều vụ việc nóng xảy ra vừa qua, điển hình như vụ án Hồ Duy Hải ở Long An, vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình, nâng giá thiết bị y tế ở Hà Nội… Đây sẽ là những vấn đề rất nóng tại diễn đàn Quốc hội, cần phải được thông tin, làm rõ. Đặc biệt đối với những vụ việc mang tính chất “xã hội đen”, “bảo kê”, cho vay nặng lãi khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua cũng phải làm rõ, để trả lời cho công luận, xem đằng sau những vụ việc đó là gì? Có sự bảo kê, bao che, chống lưng của ai đó hay không?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):
Kỳ họp đặc biệt
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 là một kỳ họp rất đặc biệt. Trước khi kỳ họp diễn ra, những kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, chúng tôi đã đưa ra giải pháp tiếp thu gần như đầy đủ, có văn bản gửi tới các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh. Cùng với đó, các kiến nghị của cử tri được gửi tới mặt trận, các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời đăng trên mạng của ĐBQH và thông báo cho cử tri.
Năm 2019, Quốc hội đã áp dụng công nghệ thông tin, các đại biểu có thiết bị công nghệ, tổng hợp các loại văn bản, giấy tờ phục vụ kỳ họp. Việc này vừa tiết kiệm thời gian và thể hiện tính sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2020, do dịch COVID-19 diễn ra, Quốc hội và các ủy ban đã tổ chức các phiên họp trực tuyến.
Hình thức trực tuyến cũng được ứng dụng trong đợt 1 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Việc này nhằm tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cũng là thí điểm trong việc tổ chức kỳ họp, để trong thời gian tới có thể ứng dụng.
Với hoạt động của Quốc hội, vừa thảo luận, vừa tranh luận, có thể không thực sự hiệu quả bằng hình thức họp trực tiếp tại nghị trường. Trong kỳ họp trực tiếp, các ĐBQH dễ tập trung theo dõi, thảo luận các thông tin hơn, không bị phân tán bởi những thứ khác, không khí nghị trường nghiêm túc hơn.
Thủ tướng báo cáo giải pháp ứng phó tác động dịch bệnh
Hôm nay, sau phần phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong đó có nội dung về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng trong ngày khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)...
Tiền phong