MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ họp thứ 6: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, xem xét luật đặc khu

Tại kỳ họp khai mạc cuối tháng 10/2018 Quốc hội sẽ dành một ngày để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

Việc lùi thời hạn thông qua dự án luật đặc khu đã thể hiện tinh thần cầu thị, sự thận trọng cần thiết của Quốc hội và Chính phủ, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5 của Quốc hội tại phiên họp chiều 13/7 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Về công tác lập pháp, Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi.

Việc lùi thời hạn thông qua dự án luật này đã thể hiện tinh thần cầu thị, sự thận trọng cần thiết của Quốc hội và Chính phủ, Tổng thư ký Quốc hội nói.

Nhìn nhận một số hạn chế của kỳ họp thứ 5, dự thảo báo cáo nêu rõ, các phiên thảo luận vẫn còn một số ít đại biểu đọc văn bản thuần túy, nặng về tham luận, chưa thể hiện rõ chính kiến của người đại biểu nhân dân trước những vấn đề quan trọng của đất nước hoặc tranh luận chưa đúng yêu cầu.

Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu.

Dự kiến Quốc hội làm việc 21 ngày, khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào ngày 19/11/2018. Trong đó, Quốc hội sẽ dành một ngày để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Nhấn mạnh kỳ họp thứ sáu có một việc rất lớn cả nhiệm kỳ có một lần là lấy phiếu tín nhiệm, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý công việc chuẩn bị phải chặt chẽ ngay từ đầu, nếu không cẩn thận thì sẽ không thực chất.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm nên diễn ra trước các phiên chất vấn để tránh gây bất lợi cho người được chọn trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Trong một số vấn đề cần quan tâm, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, đối với các đề án và nghị quyết thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, căn cứ tình hình chuẩn bị thực tế và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến nội dung kỳ họp sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Phúc cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 9/2018 để cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng như: Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Công an nhân dân (sửa đổi)... trước khi trình Quốc hội.

Góp ý về cách thức tổ chức, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội nên họp thông tầm. Theo đó, thay vì làm việc từ 8h-11h30 nghỉ trưa sau đó tiếp tục làm việc từ 2h - 5h (mỗi buổi giải lao 20 phút) thì nên khai mạc 9h, nghỉ từ 12 đến 13h, sau đó làm luôn đến 16h.

Sự thay đổi này theo ông Hiển sẽ tránh được kẹt xe vào giờ cao điểm, giảm đi lại "rồng rắn lên mây" ngày bốn lần như hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói việc này phải lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, nhưng dù có thông tầm thì cũng phải đảm bảo 8 tiếng chứ không thể chỉ 6 tiếng.

Việc lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị chu đáo ngay từ bây giờ, không được trục trặc, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết dự kiến sẽ tiến hành tuần cuối của kỳ họp còn lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành vào giữa kỳ.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên