Kỳ họp thứ tư, Quốc hội làm nhân sự ngay tuần đầu tiên
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các tờ trình về nhân sự lãnh đạo cấp cao...
Theo chương trình dự kiến của kỳ họp Quốc hội thứ tư, công tác nhân sự sẽ bắt đầu từ cuối phiên họp chiều 24/10.
Chiều 11/10, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bổ sung nội dung xem xét, quyết định về nhân sự lãnh đạo cấp cao.
Đối với nội dung nhân sự, ông Phúc đề nghị bố trí Quốc hội xem xét, quyết định trong tuần đầu tiên của kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.
Sau khi miễn nhiệm nhân sự thì việc phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự mới dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong tuần làm việc đầu tiên, theo dự kiến chương trình kỳ họp.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại kỳ họp thứ 4 khai mạc ngày 23/10 tới, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa.
Và tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các tờ trình về nhân sự lãnh đạo cấp cao.
Làm nhân sự ngay tuần đầu tiên cũng là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội khi xem xét việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ tư.
Dự kiến, tại kỳ họp này Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải sẽ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Tổng thanh tra Chính phủ sẽ trình báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017.
Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng là việc của Tổng thanh tra.
Quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là những nội dung nào liên quan đến nhân sự thì để người mới trình để đảm bảo trách nhiệm của người đứng đầu.
Với một số nội dung được bổ sung, trong đó có công tác nhân sự, kỳ họp thứ tư của Quốc hội có thể kéo dài hết buổi sáng ngày 25/11, nhiều hơn hai ngày so với dự kiến đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước đó.
Trong số các báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu có bổ sung báo cáo về tình hình xử lý các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm trong thời gian vừa qua liên quan đến bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, kê khai tài sản và việc xử lý những trường hợp có sai phạm và đã bị kỷ luật về Đảng.
Tổng thư ký Quốc hội đề nghị bố trí thảo luận ở hội trường từ 0,5 đến 1 ngày (thay vì gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT)”, vì đây đang là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.
Hoặc có thể bố trí kết hợp thảo luận nội dung này cùng với nội dung giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
Vneconomy