MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Kỳ lân" công nghệ VNG lỗ hơn 40 tỷ trong 3 tháng đầu năm, tiếp tục "rót" gần 120 tỷ đồng vào lĩnh vực TMĐT

"Kỳ lân" công nghệ VNG lỗ hơn 40 tỷ trong 3 tháng đầu năm, tiếp tục "rót" gần 120 tỷ đồng vào lĩnh vực TMĐT

Bên cạnh những mảng kinh doanh truyền thống, vài năm trở lại đây, Công ty Cổ phần VNG khá "chịu khó" đầu tư vào ngành thương mại điện tử. Hiện tại, VNG có 3 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực này. Một trong số các khoản đầu tư đó đang gánh lỗ lũy kế gần 90 tỷ đồng.

Tháng 02/2022, Công ty thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group (OCG) công bố huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A dẫn dắt bởi "kỳ lân" công nghệ VNG cùng sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.

Đặt trụ sở chính tại Hà Nội với văn phòng đại diện ở San Francisco (Hoa Kỳ) và Thâm Quyến (Trung Quốc), OCG cung cấp dịch vụ hỗ trợ trọn gói cho những người bán hàng trực tuyến với chi phí thấp và hạn chế rủi ro. Hơn hai năm sau khi ra mắt, nền tảng này đã giúp hơn 86.700 người đến từ 195 quốc gia kinh doanh thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu, đạt 670 triệu USD giá trị GMV.

Đến quý I/2023, khoản đầu tư vào OCG chính thức xuất hiện với tư cách là khoản đầu tư vào công ty liên kết trên BCTC của VNG, có giá trị 117,3 tỷ đồng . Theo diễn giải, OCG được thành lập với mã số đăng ký doanh nghiệp số 202140908D ngày 24/11/2021 và có trụ sở chính tại Singapore, hoạt động kinh doanh chính là thương mại điện tử.

Vào ngày 31/03/2023, VNG nắm giữ 11,16% quyền sở hữu của OCG, Tập đoàn có quyền chỉ định 1 trên 3 người của Ban giám đốc và có ảnh hưởng đáng kể trong OCG.

Nhà sáng lập OCG Quân Trương (trái) và Phương Anh Hà

Trước OCG, VNG đã đầu tư vào các công ty làm về thương mại điện tử như Telio Pte, DayOne. Đặc biệt, khoản đầu tư vào Telio có giá trị lên tới 22,5 triệu USD, tương đương 515 tỷ đồng . Telio được giới thiệu là nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam, liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung.

Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài các hỗ trợ giúp Telio tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.

Thời điểm đầu tư, ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc VNG, cho biết: “Telio đang chứng tỏ là nền tảng thương mại điện tử B2B cho ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam. VNG đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng cũng như tham vọng của Telio, và mong muốn được cùng Telio vươn tới những mốc tăng trưởng mới thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược này”.

Tuy vậy, khoản đầu tư này cho đến hiện tại vẫn chưa cho trái ngọt. Đến hết quý I/2023, khoản đầu tư vào Telio đã lỗ lũy kế gần 90 tỷ đồng , tăng thêm hơn 9 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Ban lãnh đạo Telio.

Theo BCTC hợp nhất quý I/2023 tự công bố, 3 tháng đầu năm VNG đạt doanh thu thuần 1.852 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 847 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ đi các chi phí, tổng cộng VNG lỗ 43 tỷ đồng trước thuế và lỗ 90 tỷ đồng sau thuế trong quý I/2023. Trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 40,5 tỷ.

Trước đó, vào ngày 31/3, VNG đã công bố thông tin bất thường về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Phía công ty giải trình lý do, bao gồm báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất là vì VNG đang thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

Trong khi đó, VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới. VNG hiện có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài (gồm thị trường Đông Nam Á, Hong Kong, Trung Quốc và Australia) với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.

Vì vậy, để đảm bảo số liệu của báo cáo tài chính thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán trong và ngoài nước, phía VNG cho biết cần nhiều thời gian hơn để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận thông tin cho báo cáo tài chính.

VNG cho biết với những khó khăn như vậy, phía doanh nghiệp đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xem xét, chấp thuận cho VNG được gia hạn thời gian công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2022.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên