MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kỳ lân' MoMo được lợi gì khi sau bắt tay với Gojek?

'Kỳ lân' MoMo được lợi gì khi sau bắt tay với Gojek?

MoMo trở thành ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên ứng dụng Gojek tại Việt Nam. Về phía MoMo, nền tảng thanh toán này được tiếp cận một nhóm khách hàng mới, góp phần vào việc mở rộng hệ sinh thái. Mặt khác, Gojek sẽ được tiếp cận vào 31 triệu khách hàng hiện tại của MoMo.

Ngày 14/3, ứng dụng gọi xe Gojek đã chính thức bắt tay với ví điện tử MoMo, giúp người dùng có thể trả cuốc xe chỉ bằng một vài thao tác liên kết ví đơn giản. Người dùng có thể thanh toán sử dụng các dịch vụ gọi xe công nghệ trực tuyến GoRide (xe máy), GoCar (ô tô), giao đồ ăn trực tuyến GoFood và giao hàng GoSend.

MoMo trở thành ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên ứng dụng Gojek tại Việt Nam. Cú bắt tay của hai ông lớn này mang nhiều ý nghĩa chiến lược cho cả hai bên.

MoMo tiếp tục đẩy mạnh thị trường, tiếp cận nhóm khách hàng mới

Về phía MoMo, nền tảng thanh toán này được tiếp cận một nhóm khách hàng mới, góp phần vào việc mở rộng hệ sinh thái. Gojek Việt Nam hiện có khoảng 200 nghìn đối tác tài xế và hàng chục nghìn nhà hàng.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo cho biết: "Thông qua hợp tác, chúng tôi mong muốn phần nào hỗ trợ những tài xế công nghệ và các đối tác của Gojek cũng như MoMo tiếp cận thêm nhiều khách hàng, gia tăng doanh số và nhanh chóng phục hồi sau đại dịch".

Trong nhiều năm, MoMo liên tục mở rộng mạng lưới các nhà bán hàng và người dùng thông qua chiết khấu và marketing, đồng thời hợp tác với những công ty như Lazada, Tiki, Apple hay Google để mở rộng tập người dùng nhanh chóng.

Kỳ lân MoMo được lợi gì khi sau bắt tay với Gojek? - Ảnh 1.

Nguồn: Tech in Asia

Đây cũng không phải lần đầu MoMo hợp tác với các nền tảng vận chuyển. Ví điện tử này đang là một trong các kênh thanh toán của Be và trước đây có hợp tác với các hãng taxi Vinasun, Mai Linh.

Tuy vậy, làm việc với một đối tác ở tầm khu vực như Gojek, MoMo sẽ có nhiều cơ hội nhìn rộng ra thị trường khu vực, đồng thời là tiền đề để khởi đầu cho các hợp tác khác quan trọng hơn.

Việc mở rộng, bắt tay với nhiều đối tác khác nhau cho thấy MoMo đang khắc phục các hạn chế của mình so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Các đối thủ như ZaloPay có thể tận dụng người dùng từ Zalo, trong khi đó AirPay (nay là ShopeePay) có thể phát triển nhờ vị thế của Shopee tại Việt Nam.

Năm 2021, ZaloPay "đốt" gần 52 triệu USD. Dù vậy, tiềm năng của ZaloPay trong việc "hoà quyện" với hệ sinh thái của Zalo gần như vẫn chưa được tận dụng. Shopee hiện tại cho phép dùng ShopeePay để thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử của mình.

Năm ngoái, Shopee đổi tên dịch vụ giao đồ ăn và thanh toán tại Việt Nam lần lượt thành ShopeeFood và ShopeePay. Động thái này cho thấy Shopee đang muốn tạo ra một sự kết nối tốt hơn của các dịch vụ đến sàn thương mại điện tử của mình.

Giảng viên tài chính Đại học RMIT Việt Nam, ông Huy Phạm có chia sẻ với Tech in Asia: "Để mở rộng thị trường và cạnh tranh với các đối thủ, MoMo đang cố gắng thực hiện chuyển đổi từ một trung gian thanh toán sang việc đồng phát triển nhiều sản phẩm khác với các đối tác như ngân hàng, công ty bảo hiểm…".

Gojek chọn hướng đi mới tại Việt Nam

Trước đó, sau một thời gian chỉ áp dụng trả phí gọi xe bằng tiền mặt, Gojek đã áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt vào 21/10/2021.

Gojek công bố ra mắt tính năng thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng cho người dùng lựa chọn sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ Visa, Mastercard và JCB để thanh toán. Sự kết hợp lần này với MoMo giúp hãng có thêm hình thức thanh toán số cho khách hàng. 

Được biết tại các quốc gia Đông Nam Á khác, Gojek đẩy mạnh phát triển ví điện tử của riêng ứng dụng này là GoPay thay vì hợp tác với ví điện tử khác. Lần bắt tay này cho thấy Gojek đang muốn mở rộng hệ sinh thái thanh toán tại Việt Nam thay vì chỉ phát triển cho ví điện tử của riêng trong giai đoạn hiện tại.

Với ứng dụng thuần Việt MoMo, Gojek sẽ là một trong những đối tác quan trọng ở tầm khu vực, vì đa phần đối tác sẵn có của MoMo là doanh nghiệp có xuất xứ trong nước.

Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam nhận định rằng, thông qua việc tích hợp ví MoMo trên ứng dụng Gojek, người dùng của họ sẽ có nhiều lựa chọn khi thanh toán cho các dịch vụ, nhờ vậy sẽ có những trải nghiệm mượt mà, thuận tiện, an toàn hơn.

Kỳ lân MoMo được lợi gì khi sau bắt tay với Gojek? - Ảnh 2.

Gojek sẽ được tiếp cận vào 31 triệu khách hàng hiện tại của MoMo

Ngoài việc nâng cao trải nghiệm người dùng, Gojek sẽ được tiếp cận vào 31 triệu khách hàng hiện tại của MoMo. Tệp khách hàng có sẵn tiền trong tài khoản, có sẵn thói quen tiêu dùng, do đó là nguồn khách cực kỳ tiềm năng cho ứng dụng đa dịch vụ này.

Đối thủ của Gojek như Grab sở hữu GrabPay và hợp tác độc quyền với một số ví điện tử khác. Xét ở khía cạnh này, MoMo có thể xem như đối thủ của GrabPay hoặc GoPay, do đó cú bắt tay MoMo và Gojek tạo một một tiền lệ mới cho Gojek.

https://cafef.vn/ky-lan-momo-duoc-loi-gi-khi-sau-bat-tay-voi-gojek-20220315171413522.chn

Anh Tuấn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Từ Khóa:
Trở lên trên