MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ lân VNG lỗ gần 800 tỷ đồng trong 9 tháng, trải qua chuỗi 4 quý lỗ liên tiếp

31-10-2022 - 00:30 AM | Doanh nghiệp

Kỳ lân VNG lỗ gần 800 tỷ đồng trong 9 tháng, trải qua chuỗi 4 quý lỗ liên tiếp

Lũy kế 9 tháng 2022, VNG lỗ 764 tỷ đồng, áp sát mục tiêu lỗ 993 tỷ đồng trong năm nay. Công ty tiếp tục gánh lỗ lớn từ các công ty liên kết và Zion, đơn vị vận hành ví điện tử Zalo Pay.

Công ty cổ phần VNG (VNG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 2.100 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ.

Chi phí tài chính giảm mạnh từ mức 7,4 tỷ đồng trong quý 3/2021 xuống còn 0,69 tỷ đồng. Song khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG lần lượt tăng 12,2% và 29,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 714,8 tỷ đồng và 380,1 tỷ đồng.

Thêm vào đó do chịu khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đồng, trừ đi chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế quý III 254,5 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của VNG.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỷ đồng. Doanh thu sau 9 tháng đạt 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ lân VNG lỗ gần 800 tỷ đồng trong 9 tháng, trải qua chuỗi 4 quý lỗ liên tiếp - Ảnh 1.

Trước đó, VNG đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng 2022, "kỳ lân" này đạt 56,6% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế tiệm cận kế hoạch dự kiến.

Lỗ lớn khi đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết

Nhìn BCTC quý III của VNG có thể thấy, phần lỗ trong công ty liên kết đã tăng lên hơn 82 tỷ đồng trong 9 tháng 2022. Tính đến 30/9, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới hơn 603 tỷ đồng.

Kỳ lân VNG lỗ gần 800 tỷ đồng trong 9 tháng, trải qua chuỗi 4 quý lỗ liên tiếp - Ảnh 2.

Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki đã bị "ăn mòn" toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510,1 tỷ đồng). VNG chỉ còn sở hữu 14,64% cổ phần tại đây.

Ba khoản lỗ lớn tiếp theo nằm tại Telio (lỗ 46 tỷ đồng), Funding Asia (lỗ 21 tỷ đồng), và Ecotruck (lỗ 19 tỷ đồng). Tại ngày 30/9, VNG nắm giữ lần lượt 16,7%, 5,11%, 25% quyền sở hữu của Telio, Funding Asia và Ecotruck.

Song khoản lỗ lớn nhất phải kể đến lỗ của cổ đông không kiểm soát khi âm đến 345 tỷ đồng trong 9 tháng. Không loại trừ khả năng phần lỗ này đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay.

Tính tới cuối quý III, VNG ghi nhận đầu tư vào Zion hơn 2.561,5 tỷ đồng, tăng 680,4 tỷ đồng so với cuối năm 2021. VNG đang nắm giữ 65,48% cổ phần của Zion.

Quy mô tổng tài sản của VNG ở cuối quý III đạt 9.189,4 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền cùng các khoản đầu tư nắm giữ đáo hạn của VNG chiếm 35,7% tổng tài sản, đạt 3.286,2 tỷ đồng.

Trong 9 tháng qua, DealStreetAsia cũng tiết lộ VNG đang lên kế hoạch thực hiện niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm nay với 12,5% cổ phần có thể được chào bán ra công chúng.

Hồi đầu tháng 6, VNG cho biết VNG Limited dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài. Thương vụ phải đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 49%.

Ban lãnh đạo VNG đồng thời đề xuất AGM 2022 thông qua việc miễn trừ chào mua công khai đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited – một pháp nhân mới được thành lập đầu tháng 4/2022 tại Cayman Islands. Động thái này được cho là tạo bước đệm để VNG tiến gần hơn đến cột mốc chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Trước đó vào tháng 8/2021, Bloomberg đưa tin VNG - một trong hai kỳ lân công nghệ của Việt Nam cùng với VNLIFE thời điểm đó cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC. Thương vụ này có thể định giá VNG ở mức 2 - 3 tỷ USD.

Nhuận Hoa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên