MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỷ luật là một kỹ năng để HỌC, chứ không phải để SAO CHÉP y chang: Đừng dậy sớm chỉ vì người giàu làm vậy!

11-03-2020 - 09:12 AM | Sống

Nhìn người thành công dậy từ 6h sáng để chạy bộ, bạn cũng bắt chước theo. Vậy đó là mô hình kỷ luật của riêng bạn hay chỉ đơn giản là sự sao chép mà thôi?

Tác giả nổi tiếng trên cộng đồng mạng Trương Hiểu Minh, người sở hữu hơn 98 ngàn người theo dõi trên tài khoản mạng văn học, từng chia sẻ rằng:

"Trước đây, tôi có chứng khó tập trung khá nghiêm trọng. Mỗi khi cần lên mạng tìm tài liệu, tôi thường vô tình bị những thông tin không liên quan khác thu hút. Bất tri bất giác ngồi xem linh tinh hết cả tiếng đồng hồ rồi mới giật mình nhớ ra mục đích chính của mình, cho nên, thời gian cả ngày dài toàn lãng phí trong những điều vô bổ, hiệu suất làm việc đạt được rất thấp.

Hiện tại, một ngày của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Buổi sáng lập kế hoạch làm việc cho cả tuần, sắp xếp lại mục tiêu cá nhân, rồi kiểm tra hòm thư và tin nhắn. Trên đường di chuyển đi làm hoặc tan tầm, tôi có thể tranh thủ lên mạng xem tin tức nổi bật trong ngày. Buổi trưa tranh thủ hẹn gặp bạn bè nói chuyện lai rai. Buổi tối thì dành thời gian tập thể thao một giờ, sau đó trở về nhà học tập một chút, hoặc làm thêm vài việc gia tăng thu nhập. Cuối ngày, trước khi đi ngủ, tôi sẽ dành ra 5 phút để tổng kết lại những điều được - mất trong ngày.

Khi chưa làm được điều này, tôi cứ nghĩ kỷ luật tự giác là một điều gì đó rất cao xa. Nhưng đến bây giờ nghĩ lại, hóa ra, kỳ thật nó không hề khó đến vậy".

Theo quan điểm của tác giả, bạn không cần phải sao chép kỷ luật tự giác của người khác mà quan trọng nhất là xây dựng một mô hình phù hợp với chính mình.

1. Phải có mục tiêu rõ ràng

Hầu hết sự trì hoãn, hoang mang và lo lắng đều bắt nguồn từ việc khuyết thiếu mục tiêu. Khi không có mục tiêu rõ ràng, chúng ta làm việc không có phương hướng, không có sự tập trung, rất dễ bị xao nhãng bởi những nhân tố khác.

Ví dụ như, rõ ràng chuẩn bị đọc sách nhưng lại quay sang nhắn tin với bạn cả buổi tối sau khi cầm vào điện thoại.

Kỷ luật là một kỹ năng để HỌC, chứ không phải để SAO CHÉP y chang: Đừng dậy sớm chỉ vì người giàu làm vậy! - Ảnh 1.

Hầu hết sự trì hoãn, hoang mang và lo lắng đều bắt nguồn từ việc khuyết thiếu mục tiêu. Khi không có mục tiêu rõ ràng, chúng ta làm việc không có phương hướng, không có sự tập trung, rất dễ bị xao nhãng bởi những nhân tố khác.

Các mục tiêu được đề ra phải hợp lý và có thể đạt được thông qua sự nỗ lực. Đừng đặt cho mình một mục tiêu bất khả thi. Khi bạn thực sự muốn hoàn thành một điều gì đó, tiềm thức sẽ sinh ra khát vọng và thúc đẩy bạn cố gắng hết mình để thực hiện.

Còn trong trường hợp bạn thấy người khác thức dậy lúc 6 giờ tập thể dục là kỷ luật, mình cũng sẽ bắt chước theo, đó chỉ là hành vi sao chép đơn thuần. Bạn thực hiện hành động mà không xác định được mục tiêu thì rất khó để duy trì nó trong một thời gian dài.

2. Hình thành cuộc sống tiêu chuẩn

Có câu nói rằng: Nhân tố quyết định phần lớn cơ hội thành công của một người đến từ chính thói quen của người đó.

Sở dĩ những người xuất sắc có thể thành công là vì họ xây dựng cho mình một cuộc sống tiêu chuẩn, hình thành hàng loạt các thói quen tốt. Tới thời điểm mà những nhân tố khác như quyết tâm, đam mê, lý tưởng... trở nên hao hụt, thói quen sẽ thúc đẩy bạn tiếp tục làm việc mà không cần tới ý chí.

Trong quá trình xây dựng thói quen cho cuộc sống, hãy hết sức kiên nhẫn, đừng vì cái lợi trước mắt mà quyết định sai lầm. Trước tiên, chúng ta có thể nuôi dưỡng một thói quen cốt lõi, là đòn bẩy quan trọng để thay đổi cuộc sống, tạo ra phản ứng dây chuyền và thúc đẩy sự phát triển của các thói quen khác.

Ví dụ, thói quen cốt lõi của bạn là đọc sách. Sau đó, bạn cảm thấy mình không đủ thời gian để đọc, vì vậy bạn đã phát triển thói quen dậy sớm hơn mỗi ngày. Ngồi đọc nhiều dễ bị đau lưng, mỏi cổ, vậy là để duy trì năng lượng cho bản thân, bạn phát triển thêm thói quen tập thể dục. Từ đó, hệ thống thói quen của bạn sẽ giống như một quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn. Cả cuộc sống đều được “thói quen hóa” ở mức độ cao, không ngừng vận hành một cách kỷ luật.

3. Có kỹ năng phân bổ, quản lý năng lượng của mình

Đầu tiên, cần biết cách để tăng sức mạnh ý chí

Tập thể dục: Tập thể dục có thể gia tăng đáng kể sức mạnh ý chí của một người vì đây là quá trình liên tục đòi hỏi bạn phải không ngừng thử thách bản thân. Thông qua mỗi một thử thách, giới hạn ý chí của chúng ta sẽ tăng lên.

Ngủ sớm dậy sớm: Duy trì giấc ngủ đầy đủ giúp năng lượng của một người hoạt động mạnh mẽ hơn, tư duy linh hoạt hơn. Ngược lại, tình trạng thiếu ngủ sẽ khiến chúng ta dễ cảm thấy uể oải và mệt mỏi.

Kỷ luật là một kỹ năng để HỌC, chứ không phải để SAO CHÉP y chang: Đừng dậy sớm chỉ vì người giàu làm vậy! - Ảnh 2.

Trong quá trình xây dựng thói quen cho cuộc sống, hãy hết sức kiên nhẫn, đừng vì cái lợi trước mắt mà quyết định sai lầm. Trước tiên, chúng ta có thể nuôi dưỡng một thói quen cốt lõi, là đòn bẩy quan trọng để thay đổi cuộc sống, tạo ra phản ứng dây chuyền và thúc đẩy sự phát triển của các thói quen khác.

Thứ hai, cần biết cách cải thiện sự tập trung

Ngồi thiền: Thiền đem tới rất nhiều lợi ích cho cơ thể con người. Nó không chỉ cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm bớt các loại cảm xúc tiêu cực, mà còn nâng cao sức tập trung của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy, thiền hơn mười giờ đồng hồ sẽ sức tập trung tăng lên đáng kể. Đây còn là một liệu pháp điều trị tâm lý hiệu quả đối với những người mắc chứng u uất, trầm cảm.

Phương pháp thiền tốt nhất là nằm ngửa hoặc ngồi khoanh chân, hít thở sâu và tập trung vào từng nhịp thở ra, hít vào của mình. Khi sức tập trung suy giảm, hãy bắt đầu quá trình lại từ đầu. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 5 phút để tập thiền, bạn sẽ thấy tinh thần thoải mái hơn.

Thứ ba, loại bỏ các tạp niệm quấy nhiễu

Tạm ngắt tín hiệu điện thoại di động: Bất cứ khi nào màn hình điện thoại sáng lên, hầu hết mọi người luôn vô thức nhìn vào nó kiểm tra đầu tiên, và công việc chính đang làm cũng bị trì hoãn vô thời hạn. Do đó, nếu cần sự tập trung tuyệt đối, hãy tránh xa điện thoại di động đầu tiên.

Giữ môi trường sạch sẽ: Môi trường xung quanh có có tác động lớn đến con người, do đó, dọn dẹp phòng ở, phòng làm việc sạch sẽ, gọn gàng, xây dựng bầu không khí tốt đẹp sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn.

Trên đây là quá trình thay đổi kỷ luật tự giác của tác giả Trương Hiểu Minh. Từ việc không ngừng lặp đi lặp lại để hình thành thói quen, ông mới xây dựng mô hình kỷ luật thích hợp với chính mình bằng chính những thói quen nền tảng đó. Phải biết rằng kỷ luật tự giác là một phẩm chất, một kỹ năng có thể học tập, chứ không phải là một mô hình cố định.

Muốn thực hiện được điều đó, hãy bình tĩnh bắt đầu từng bước một, xây dựng từng quy chuẩn cho cuộc sống. Đừng vội vàng vì một mục đích nhất thời mà phá vỡ toàn bộ nguyên tắc kỷ luật của mình.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên