Kỷ lục Hà Nội: Phố nào chỉ có một số nhà? Phố nào có nhiều cổng làng nhất?
Phố có ít số nhà nhất, phố có nhiều cổng làng nhất, chùa cổ nhất, quảng trường rộng nhất ... là những điều thú vị về Hà Nội mà không phải ai cũng biết rõ.
Mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến có rất nhiều điều thú vị mà ta ít để ý tới. Vì vậy, hôm nay chúng ta cùng nhau "dạo khắp Long thành" để khám phá. Phố duy nhất chỉ có một số nhà là phố Hoả Lò. Nơi đây chỉ có nhà tù Hoả Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896.
Trải qua hơn 100 năm lịch sử, nhà tù từng là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng trong thời Pháp thuộc, nơi giam phi công trong chiến tranh chống Mỹ. Năm 1993, một phần nhà tù được giữ lại để trở thành điểm tham quan, một phần xây dựng cao ốc thương mại mang tên Tháp Hà Nội. Gần đây, nhà tù Hoả Lò trở thành hiện tượng trên mạng xã hội với những nội dung thú vị và thu hút giới trẻ.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng được khởi công năm 2007 và khánh thành năm 2010 để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ban đầu, con đường gốm sứ dài 3,85 km và được tổ chức kỷ lục Guiness công nhận là con đường gốm sứ dài nhất thế giới.
Con đường gốm sứ có nhiều đoạn tranh với nhiều chủ đề khác nhau. Trải qua 12 năm, con đường gốm sứ dần trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân thủ đô. Năm 2020, Hà Nội quyết định phá dỡ 600 m của con đường gốm sứ để thi công, mở rộng đường Âu Cơ.
Chùa Trấn Quốc được dựng xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế (541-547) và được coi là chùa cổ nhất Hà Nội. Ngôi chùa nằm trên một hòn đảo của hồ Tây, sát với đường Thanh Niên. Chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long trong thời Lý và thời Trần.
Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch. Đặc biệt, chùa còn là điểm đến của các nguyên thủ nước ngoài như tổng thống Ấn Độ (2008), tổng thống Nga (2010).
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, rộng 32.000 m2 với 210 ô cỏ. Đây là nơi chứng kiến nhiều sự kiện trong đại như Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945; duyệt binh mừng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về thủ đô năm 1955; lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969; diễu binh, diễu hành mừng thống nhất đất nước năm 1975...
Hàng ngày, lễ thượng cờ (6h vào mùa hè và 6h30 vào mùa đông) và lễ hạ cờ (21h) sẽ diễn ra tại quảng trường Ba Đình. Đây là nghi lễ cấp quốc gia và bất cứ người dân nào có mặt tại đây vào thời gian làm lễ đều đứng trang nghiêm để theo dõi.
Phố có nhiều cổng làng nhất là phố Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ). Con phố chỉ dài 3,3 km nhưng có đến 10 cổng làng. Đây là dấu ấn cổ xưa của kinh thành Thăng Long giữa phố phường hiện đại.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Ban đầu, Văn Miếu chỉ tiếp nhận con vua và con các đại thần (nên mới gọi là Quốc tử). Năm 1252, vua Trần Thái Tông quyết định mở rộng trường, thu nhận con cái thường dân có sức học xuất sắc. Ngày nay, Văn Miếu trở thành điểm tham quan du lịch, nơi cầu may của các sĩ tử trước mỗi kỳ thi.
Cầu sắt cổ nhất Hà Nội là cầu Long Biên. Cây cầu được thực dân Pháp xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Cầu dài 2.290 m gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m, bên cạnh đó còn 896 m cầu dẫn. Để thực hiện xây cầu, thực dân Pháp đã huy động 3.000 công nhân người Việt cùng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia, đốc công người Pháp.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là mục tiêu bắn phá trọng điểm và đã hứng chịu hàng chục lần ném bom. Bộ đội phòng không của ta phải lập trận địa trên bãi giữa sông Hồng và trên đỉnh cao nhất của cầu để bắn máy bay Mỹ. Hiện nay, cầu Long Biên chỉ được sử dụng cho tàu hoả, xe máy, xe đạp và người đi bộ.
Tổ Quốc