MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỹ năng ngoại giao chi phối thành công: Thái độ đúng đắn, phản ứng chuyên nghiệp là chìa khóa cho những cơ hội thăng tiến không ngờ

27-11-2019 - 20:03 PM | Sống

Nếu bạn đang có kế hoạch xây dựng sự nghiệp với những mục tiêu lớn, đừng bỏ quên việc xây dựng kỹ năng ngoại giao, tạo thái độ làm việc đúng đắn và chuyên nghiệp. Điều này sẽ đem lại những lợi ích bất ngờ dành cho bạn và cả tập thể bạn làm việc chung.

Khi còn nhỏ mẹ từng dạy tôi rằng: “Con yêu à, mẹ yêu con nhưng con thật sự ngớ ngẩn nếu chỉ biết ra lệnh với người khác. Con phải học cách làm việc với mọi người. Ngoại giao là nghệ thuật khiến người khác phải đi theo con đường của con”. Lời khuyên đó đã ảnh hưởng rất lớn đối với tôi cho tới sau này.

Nhớ lại về phiếu học tập ở trường tiểu học, phần đánh giá hạnh kiểm dựa trên việc bạn có chơi tốt với mọi người hay không. Và thực tế, cuộc sống trưởng thành cũng không có gì khác. Tôi tin rằng thành công của bạn trong kinh doanh, và cụ thể hơn là thành công của bạn trong cuộc sống là việc bạn cần học cách hợp tác, hòa đồng hay nói theo cách khác là chơi tốt với người khác.

Bạn không thể luôn luôn chọn người bạn tiếp xúc và sẽ làm việc cùng. Bạn không cần phải làm bạn với mọi người. Bạn không cần phải yêu quý tất cả. Nhưng nếu có thể quản lý tốt cách ứng xử với những người có tính cách khác nhau thì bạn có thể làm việc nhóm, hợp tác hiệu quả hơn nhiều. Và cũng từ đó, những cơ hội thăng tiến bất ngờ sẽ tự tìm đến với bạn.

Kỹ năng ngoại giao chi phối thành công: Thái độ đúng đắn, phản ứng chuyên nghiệp là chìa khóa cho những cơ hội thăng tiến không ngờ - Ảnh 1.

Đừng để người khác điều khiển hành động của bạn. Điều này bắt đầu với việc tha thứ, một từ thường được dùng trong thực tế. Hãy nhớ rằng, luôn luôn chú ý tới việc tha thứ và cố gắng không nên quá nhạy cảm trong việc phản ứng lại. Dưới đây là một vài kỹ thuật sẽ giúp bạn trong việc này:

Lắng nghe mà không tranh cãi lại

Đừng đặt những câu hỏi mang tính tranh cãi, mà là nên đưa những câu hỏi giúp bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề đang tranh luận, cho thấy sự quan tâm đối với quan điểm của người khác. Bạn có thể quan tâm tới quan điểm đó mà không cần phải đồng ý với nó.

Nếu bạn có thể, hướng họ tập trung về việc giải quyết vấn đề. Nếu tất cả chúng ta tập trung vào vấn đề thì chúng ta sẽ trở thành các chuyên gia giải quyết vấn đề. Nói với họ: “Tôi hiểu rồi, tôi đã thấy vấn đề . Bây giờ là câu hỏi của tôi: Giải pháp thực tế của vấn đề là gì ?”. Nếu họ đưa ra một giải pháp tệ hại thì nói với họ rằng: "Được rồi, đó là một khả năng. Liệu còn giải pháp thực tế khác không?”.

Hãy thử dừng lại và lắng nghe, bạn sẽ nhận thấy hiệu quả bất ngờ của nó trong việc hợp tác với người khác.

Hướng họ tới sự bình tĩnh

Rõ ràng, cởi mở, chân thực và nói chuyện trực tiếp là cách tốt nhất để trao đổi với người khác khi ở trong một cuộc tranh cãi. Khi có tranh luận, một bên hay một người phải làm chủ cuộc hội thoại đó. Không phải là an ủi những người còn lại mà là nói chuyện với họ một cách chuyên nghiệp.

Và dưới đây có một vài gợi ý thêm mà chúng ta cần chú ý:

- Giảm bớt cái tôi của mình với mọi người bằng việc tập trung vào giải pháp.

- Đứng ngoài việc tranh cãi bằng việc kiểm soát cảm xúc của mình và tập trung vào kết quả.

- Đừng phàn nàn. Hãy lạc quan lên. Phàn nàn chỉ khiến mọi chuyện thêm rắc rối.

- Chú ý cảm xúc của bạn và đừng để người khác giới hạn thành công của bạn.

- Sử dụng hệ thống hỗ trợ cho bạn. Nói với người khác về giải pháp.

- Hãy làm người lãnh đạo, đừng làm người rời đi.

Đừng để phản ứng lười biếng dẫn bạn đi theo hướng mà bạn không muốn. Như Lisa Earle McLeod nói trong cuốn sách "Tam giác của sự thật": “Tôi khám phá ra rằng, thứ thực sự đẩy chúng ta vượt qua sự điên rồ của chính mình không phải sự rối loạn của người khác. Nó đến từ sự phủ nhận của chính bản thân chúng ta. Bạn biết đấy, bạn không thể khiến người khác đồng tình với bạn trong khi chính bản thân bạn đang phủ nhận chính mình".

Đừng để người khác chi phối thành công của bạn. Phản ứng sai lầm trong một tình huống có thể khiến bạn mất đi cơ hội tốt. Hãy kiểm soát bản thân.

*Bài viết là chia sẻ của Ivan Misner, nhà sáng lập của tổ chức mạng nhượng quyền Business Network International là của Mỹ trên Entrepreneur.com.

Trần Ngọc

Entrepreneur

Trở lên trên