“Kỷ nguyên vàng son" của các hãng sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc dần khép lại
Nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã buộc phải tái cấu trúc hoặc đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc.
- 14-09-2024Hàng loạt mẫu ô tô rớt doanh số, điều gì đang xảy ra?
- 13-09-2024Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 8/2024: Toyota áp đảo danh sách, một mẫu xe 'tân binh' phá kỷ lục
- 12-09-2024Ford, Volvo, BYD, VW bỏ VMS 2024, triển lãm dần thưa thớt, chưa đến 10 hãng ô tô tham gia
Lần đầu tiên trong 87 năm lịch sử hình thành và phát triển, hãng xe nổi tiếng của Đức Volkswagen đang lên kế hoạch đóng cửa nhà máy tại Đức. Khó khăn không chỉ tại quê nhà, mà ở thị trường lớn nhất của hãng là Trung Quốc, gã khổng lồ ô tô Đức này đã chứng kiến doanh số bán hàng giảm hơn 1/4 trong vòng ba năm, xuống còn 1,34 triệu xe trong nửa đầu năm 2024. Năm ngoái, Volkswagen đã mất "ngôi vương" là thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc vào tay BYD, một vị trí mà họ đã nắm giữ ít nhất từ năm 2000.
Volkswagen không phải duy nhất, khi trang CNN đã giật title rằng "kỷ nguyên vàng son" của các hãng sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, đang dần khép lại khi các nhà sản xuất xe điện (EV) nội địa đang làm đảo lộn thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Các hãng ô tô tên tuổi như Volkswagen, Ford và General Motors (GM) đều đang chứng kiến thị phần tại Trung Quốc giảm mạnh. Theo Hiệp hội ô tô du lịch Trung Quốc, vào tháng 7, thị phần của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc giảm từ 53% xuống còn 33%. Sự suy giảm này không chỉ khiến doanh số giảm mà còn làm cho lợi nhuận của các hãng xe nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong quý II năm nay, thu nhập từ các liên doanh của Toyota tại Trung Quốc đã giảm 73% so với cùng kỳ năm trước.
Chị Ivy Yang - Nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu chiến lược Wavelet đánh giá: "Nhận thức về thương hiệu xe ô tô của người Trung Quốc đã thay đổi. Những cái tên ngoại đang dần bị thay thế bởi những hãng xe điện Trung Quốc. Một phần lý do là tâm lý tinh thần dân tộc, khi các hãng xe nội địa giờ có thể cung cấp những sản phẩm chất lượng, với giá cả hết sức cạnh tranh, vậy thì tại sao người Trung Quốc không ủng hộ cho được. Ngoài ra các hãng xe nội đã làm được rất tốt trong việc nắm bắt và hiểu được nhu cầu những khách hàng khó tính, bằng việc tung ra những sản phẩm thiết kế riêng cho thị trường".
Ông Heronlim - Chuyên gia kinh tế, Hãng nghiên cứu Moody's Analytics cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đã tung ra nhiều khoản trợ cấp cho người dân mua xe điện nội địa, chưa kể cuộc chiến về giá giữa các hãng xe điện đã gây tổn thất lớn cho nhiều nhà sản xuất ngoại".
“Kỷ nguyên vàng son" của các hãng sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc dần khép lại. Ảnh minh họa.
Nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu buộc phải tái cấu trúc hoặc đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc. Mitsubishi Motors của Nhật Bản đã ngừng sản xuất tại liên doanh Trung Quốc sau nhiều năm sụt giảm doanh số, trong khi Honda, Hyundai, và Ford đã phải đóng cửa nhà máy hoặc sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí.
Thay đổi lớn này đến sau khoảng hai thập kỷ tăng trưởng liên tục về doanh số và lợi nhuận tại Trung Quốc, bắt đầu từ những năm 2000 khi các hãng xe nước ngoài lần đầu tiên thâm nhập thị trường. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của Tesla vào cuối năm 2019 đã đánh dấu một bước ngoặt.
"Tesla đóng một vai trò trong quan điểm của người tiêu dùng về xe điện, biến chúng thành "mốt mới". Ngoài ra họ cũng tạo ra được một chuỗi cung ứng xe điện ở Trung Quốc, từ pin, các thiết bị điện tử, cho đến hệ thống động cơ điện cần thiết cho 1 chiếc xe. Để từ đó, Trung Quốc có thể xây dựng cho mình một lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực chuỗi cung ứng xe điện", ông Heronlim - Chuyên gia kinh tế, Hãng nghiên cứu Moody's Analytics nói.
Một số chuyên gia còn cho rằng, các giám đốc điều hành ngành ô tô không thể đến Trung Quốc để quan sát thị trường trong suốt giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19, khiến họ nhận ra quá muộn rằng họ đã tụt lại phía sau trong cuộc đua xe điện.
VTV.VN