Kỹ sư 26 tuổi đi học bằng máy bay 3 lần/tuần: Vẫn tốt nghiệp xuất sắc không muộn buổi nào, tiết kiệm đến hàng chục triệu đồng
Chàng trai đang sống tại Mỹ này chọn bay đi học Thạc sĩ trong gần 1 năm, cách thức di chuyển tưởng "cồng kềnh" mà đem lại một số lợi ích bất ngờ.
- 20-07-2023Kỳ lạ đường hầm được CNN vinh danh: Vừa trùng tu xong thì hàng trăm nghìn con đom đóm bay đến
- 20-07-2023Một số lưu ý về sức khỏe khi du lịch thế giới giữa ngày hè nắng nóng
- 20-07-2023Những thói quen đẹp, đáng học hỏi của giới tài xế Nhật Bản
Kỹ sư vận tải Bill Zhou (Los Angles, Mỹ) được nhận vào chương trình thạc sĩ kỹ thuật ở ngôi trường mơ ước UC Berkeley, California (Mỹ) năm ngoái. Thế nhưng trở ngại lớn nhất của Zhou chính là tiền thuê nhà đắt đỏ tại California, “một số nơi có giá 1.500 - 2.000 USD/tháng (tương đương 35-47 triệu đồng) cho căn hộ một phòng ngủ”.
Sau khi tính toán, Bill Zhou đã vạch ra một giải pháp có vẻ không tưởng: dùng máy bay để đi học vào 3 ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 trong tuần.
“Tôi biết mình sẽ làm việc ở LA sau khi tốt nghiệp vì tôi vẫn yêu thích công việc và công ty hiện tại. Tôi cảm thấy không đáng khi tiêu quá nhiều vào tiền thuê nhà ở khu vực xung quanh trường. Thêm vào đó, căn hộ tôi đang thuê tại LA có mức giá hợp lý và nếu phá vỡ hợp đồng, sẽ khó có lại giá đó nữa”, Zhou chia sẻ.
Kế hoạch không hề dễ dàng nhưng nó đã thành công, Zhou đã tốt nghiệp vào tháng 5/2023 mà không bỏ lỡ một buổi học nào.
Trong bài đăng trình bày chi tiết cách đi học trong 1 năm, Zhou giải thích rằng anh đã đặt trước tất cả những chuyến bay và sử dụng triệt để chương trình khách hàng thân thiết của các hãng hàng không nội địa.
Bill Zhou từng bay với 100 hãng hàng không và sắp tích luỹ được 1,6 triệu km vào cuối năm nay. Những ưu đãi từ việc tích lũy quãng đường bay và mua vé sớm, canh đúng các dịp giảm giá của hãng giúp giảm đáng kể chi phí bay của kỹ sư trẻ.
Một ngày đi học điển hình của Bill Zhou sẽ bắt đầu từ lúc 3h40 sáng, anh thức dậy, lái xe 30 phút và đáp chuyến bay từ Los Angeles đến Sân bay Quốc tế San Francisco lúc 6 giờ sáng. Zhou sẽ ăn sáng, làm bài tập về nhà và trả lời email trong phòng chờ của sân bay khoảng 1 tiếng. Sau đó đi một chuyến tàu và bắt một chuyến buýt nữa đến trường để kịp 10h vào học.
Các lớp học kết thúc lúc 2h chiều nhưng Zhou thường ở lại để tham gia các buổi hẹn với bạn cùng lớp, làm dự án và hoàn thành bài về nhà. Kỹ sư 26 tuổi rời trường lúc 17h, đến sân bay kịp chuyến 19h để bay về Los Angeles. Zhou thường về đến nhà lúc 21h30.
“Thông thường thời gian đi lại một chiều giữa nhà tôi ở LA và lớp học là 4-5 tiếng đồng hồ. Tôi đã dành tổng cộng 75.955 phút để di chuyển, tương đương với 53 ngày. Thành thật mà nói tôi đã từng nghĩ đến việc bỏ cuộc nhưng cũng quá trễ để kiếm nhà và tôi cũng đặt vé hết cả rồi”, Zhou cho biết. Lịch trình di chuyển dày đặc khiến Bill Zhou kiệt sức trong vài tháng đầu tiên và anh phải ngủ bù vào cuối tuần.
Zhou đã bay tổng cộng 238 chuyến, chi dưới 5.600 USD (132 triệu đồng) cho chi phí để di chuyển, bao gồm cả vé phương tiện giao thông công cộng từ sân bay đến trường và wifi trên máy bay. Theo kỹ sư 26 tuổi, lịch học ở ĐH Berkeley giúp anh tránh được khoảng thời gian cao điểm vào mùa hè khi giá vé máy bay đắt đỏ.
Trong khi đó, trên trang web tìm kiếm bất động sản Zillow, giá thuê thấp nhất cho một căn hộ ở ở Berkeley đầu tháng 7/2023 là khoảng 1.000 USD/tháng (23 triệu đồng). Dù thuê được với mức giá này, Bill Zhou sẽ cần chi ít nhất 9.000 USD (212 triệu đồng) chi phí nhà trong suốt quá trình học của mình. Vậy nên kế hoạch di chuyển cầu kỳ trên đã giúp anh tiết kiệm ít nhất 3.400 USD (80 triệu đồng).
Chàng trai này gần như không phải đối mặt với việc các chuyến bay bị hoãn gây muộn học vì những chuyến đầu tiên vào buổi sáng thường đúng giờ. Hành trình đi học của anh khá “trơn tru” trừ khi có tai nạn trên cao tốc hoặc tàu đến muộn. Zhou chưa từng vắng mặt trong bất kỳ một lớp học nào và tốt nghiệp với GPA 3.88/4.
Tuy vậy, Bill Zhou không khuyên bất cứ ai học theo cách làm của anh, trừ khi họ có niềm đam mê với các phương tiện giao thông vận tải như anh.
“Đối với tôi đường đến trường không phải hành trình đáng sợ mà là những chuyến du ngoạn nhỏ đáng giá. Tôi rất vui khi tận hưởng chúng nhưng không phải ai cũng cảm thấy như vậy. Đây có lẽ là một trong những điều điên rồ nhất tôi từng làm và cảm giác khi vượt qua được thật tuyệt vời. Quan trọng là tôi đã làm hết sức mình và quyết tâm đạt được mục tiêu của bản thân”, Zhou nói.
Trước Bill Zhou, câu chuyện về cô gái thực tập sinh Sophia Celentano bay đi làm 1 lần/tuần từ tiểu bang South Carolina đến New York cũng từng gây chú ý. Cô gái làm việc này vì tiền thuê nhà ở New York quá đắt đỏ và nhiều đồng nghiệp của cô cũng có cách thức di chuyển tương tự.
Theo BI
Nhịp sống thị trường