MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kỳ tích' hơn 900 ngày đào thông đường hầm xuyên núi dài nhất trên tuyến cao tốc 146.990 tỷ ở Việt Nam

Hầm núi Vung dài 2,2km là hầm xuyên núi dài nhất trong số các hầm thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Đường hầm xuyên núi 1.600 tỷ dài nhất cao tốc Bắc Nam

Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông (tổng vốn đầu tư 146.990 tỷ đồng). 

Cam Lâm - Vĩnh Hảo được khởi công vào tháng 11/2021 với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, thời gian thi công 24 tháng. Dự án có điểm đầu tại Km 54, phía sau nút giao Cam Ranh thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), và điểm cuối tại Km 134+00, tại nút giao Vĩnh Hảo, trùng điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 80 km/h.

'Kỳ tích' hơn 900 ngày đào thông đường hầm xuyên núi dài nhất trên tuyến cao tốc 146.990 tỷ ở Việt Nam- Ảnh 1.

Trước cửa hầm Núi Vung. Ảnh: Đèo Cả Group

Trên tuyến, hầm Núi Vung có chiều dài 2,2 km - hầm dài nhất cao tốc Bắc Nam và là hầm lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Khi đưa vào sử dụng, hầm có quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14 m. Hạng mục hầm Núi Vung có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, thời gian thi công là 30 tháng.

Vào ngày 3/7/2023, hầm Núi Vung đã chính thức được đào thông, tạo nên một cột mốc quan trọng cho công tác đường găng và tiến độ công trình, đặt nền móng cho mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày 30/4/ 2024.

Phương pháp gia cố hầm bằng công nghệ thi công NATM

Hầm núi Vung tại tỉnh Ninh Thuận được xây dựng bằng công nghệ NATM của Áo, còn được gọi là "Phương pháp gia cố hầm theo phong cách Áo mới". Công nghệ này được các chuyên gia đánh giá cao vì sự linh hoạt và an toàn khi áp dụng vào các loại hình địa chất khác nhau, ưu việt hơn phương pháp đào hầm truyền thống.

Công nghệ NATM cũng đã được sử dụng để thi công thành công các hầm qua núi như Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Thung Thi và hầm đường bao biển Quảng Ninh. NATM là phương pháp xây dựng ngầm phổ biến toàn cầu, nổi bật với những đột phá trong công nghệ bê tông phun.

Phương pháp NATM khai thác tối ưu các ưu điểm về khả năng tự chống đỡ của địa hình, được đánh giá là một trong những kỹ thuật kinh tế và hiệu quả nhất trong việc xây dựng hầm. Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu chi phí về vật liệu, nhân công và rút ngắn tiến độ dự án.

Đặc biệt, NATM cực kỳ hiệu quả trong việc chống chịu áp lực địa chất tại các khu vực có nguy cơ động đất cao. Phương pháp này đã trở thành giải pháp chủ đạo trong việc xây dựng nhiều hầm đường bộ trên khắp thế giới.

'Kỳ tích' hơn 900 ngày đào thông đường hầm xuyên núi dài nhất trên tuyến cao tốc 146.990 tỷ ở Việt Nam- Ảnh 2.

Nhộn nhịp xe, thiết bị thi công trong hầm núi Vung. Ảnh: Đèo Cả Group

Trong quá trình đào hầm, đơn vị thi công đã phát hiện điều kiện địa chất yếu khác với với hồ sơ kỹ thuật được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trước đó nên đã mời các chuyên gia từ Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, Ban quản lý Dự án 85, và đơn vị tư vấn thiết kế để đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp.

Trên công trường xây dựng, nhà thầu đã điều động 1.500 cán bộ, công nhân và sử dụng hơn 500 loại máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc thi công dự án. Trong số này, có nhiều thiết bị tiên tiến được nhập mới phục vụ cho công tác thi công, phù hợp với điều kiện địa chất cụ thể của dự án như máy khoan hầm, giàn khoan xoay để phá đá cứng khi thi công cọc nhồi, các trạm nghiền, trạm trộn vật liệu,...

Về mặt vật liệu đá, nhà thầu thi công đã chủ động kiểm định chất lượng thực tế của vật liệu đá thu được từ việc đào hầm, làm nền đường để có thể phân loại và sử dụng hiệu quả, chuyển hóa chúng thành các loại cốt liệu khác nhau dùng cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, và làm móng cấp phối đá dăm. Nhờ đó, nhà thầu đã có thể tự cung khoảng 80% nhu cầu vật liệu đá cần thiết cho dự án.

Thông hầm Núi Vung sớm từ tháng 7/2023 giúp việc điều phối nhân sự, phương tiện và nguyên vật liệu thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo diễn ra thuận lợi mà không cần phải di chuyển vòng qua đường công vụ, giúp dự án sớm về đích.


Theo T.Hà

Đời sống pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên