MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kỳ tích sông Hán': Hành trình chuyển mình ngoạn mục của Hàn Quốc thành con rồng châu Á

22-06-2023 - 14:50 PM | Tài chính quốc tế

'Kỳ tích sông Hán': Hành trình chuyển mình ngoạn mục của Hàn Quốc thành con rồng châu Á

Sau những đổ nát vì chiến tranh, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới với sức ảnh hưởng sâu rộng cả về kinh tế lẫn văn hoá.

'Kỳ tích sông Hán': Hành trình chuyển mình ngoạn mục của Hàn Quốc thành con rồng châu ÁSau Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 64 USD.

Theo Cục Thống kê Bộ Nội vụ Hàn Quốc, trong chiến tranh, thành phố Seoul bị tàn phá nghiêm trọng, 30% ngôi nhà, 70% nhà máy và các toà nhà thương mại, công trình công cộng bị phá huỷ. Thiệt hại lên tới 410 tỷ USD, kể cả người giàu cũng “trắng tay”.

Thậm chí, ở thập niên 1960, kinh tế Hàn Quốc còn không có triển vọng hồi phục. Những gói viện trợ của Mỹ cũng không thể giúp quốc gia châu Á này cải thiện đà tăng trưởng và mức sống của người dân. GDP bình quân đầu người của nước này vẫn chỉ tương đương với những nước nghèo ở châu Phi và châu Á.

Đến năm 1961, Tổng thống Park Chung Hee “chèo lái” đất nước, bắt tay vào thực hiện những kế hoạch lớn để vực dậy nền kinh tế Hàn Quốc. Khi đó, Nội các Hàn Quốc đã sử dụng thuật ngữ “Kỳ tích sông Hán” để nhấn mạnh đà bứt tốc mạnh mẽ của quốc gia nàu sau chiến tranh. Và rõ ràng rằng, Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế và là một trong 4 “con rồng châu Á” vào đầu những năm 1990.

Sự chuyển mình của nền kinh tế

Sau khi nắm quyền lãnh đạo đất nước, ông Park Chung Hee đã đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc thành một quốc gia hùng mạnh. Ông tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn (chaebol). Các doanh nghiệp này có nhiệm vụ biến Hàn Quốc thành một cường quốc kinh tế từ “đống đổ nát” sau chiến tranh.

'Kỳ tích sông Hán': Sự chuyển mình ngoạn mục của Hàn Quốc thành con rồng của châu Á - Ảnh 1.

Thành phố Seoul chỉ còn lại đống đổ nát sau chiến tranh.

Chính phủ Hàn Quốc lúc bấy giờ đã công bố kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế lần đầu giai đoạn 1962-1966. Cụ thể, ông Park đặt mục tiêu người dân Hàn Quốc sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” trong 5 năm, để tạo ra một nền kinh tế đứng đầu Đông Á sau 10 năm và vươn lên thành cường quốc kinh tế vào 20 năm sau.

Ông Park chuyển chiến lược kinh tế của Hàn Quốc từ công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu sang công nghiệp hoá định hướng xuất khẩu. Theo đó, Hàn Quốc tập trung phát triển các ngành công nghiệp nhẹ để nhắm mục tiêu xuất khẩu.

Chỉ trong 10 năm, Hàn Quốc đã đạt được lượng xuất khẩu hàng hóa đủ để trả nợ nước ngoài. Những năm 1960, Seoul trở thành trung tâm sản xuất của Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 7,6%, liên tục trong 40 năm.

Với kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1967-1971), chính quyền ông Park Chung Hee tập trung hơn nữa vào việc thu hút dòng vốn FDI, khuyến khích chuyển giao công nghệ và cơ sở hạ tầng. Từ năm 1973, nền kinh tế Hàn Quốc đặt trong tâm vào 7 ngành chính: thép, hoá chất, luyện kim, chế tạo máy, đóng tàu, ô tô, điện tử. Kế hoạch xuất khẩu khi đó là dựa vào xuất khẩu nhờ giá thành thấp.

Trong quá trình tái thiết nền kinh tế, các chaebol đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Giai đoạn giữa những năm 1980, tổng doanh thu từ 5 tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc chiếm gần 66% GNP. Samsung và Huyndai trở thành một trong 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Năm 1973-1996, tăng trưởng GDP Hàn Quốc đạt 11,2%. Cuối năm 1995, Hàn Quốc đứng thứ 11 trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cuối năm 2011, GDP trên đầu người của nước này còn cao hơn cả mức trung bình của EU.

Các khu đô thị “khoác trên mình tấm áo mới”

Ở Seoul, giải phóng mặt bằng tại các khu ổ chuột và quy hoạch các khu định cơ bất hợp pháp là mục tiêu hàng đầu. Từ năm 1966-1967, chính quyền mạnh tay cải tạo những khu vực này, xây dựng khu căn hộ 4-5 tầng để thay thế, thay đổi cảnh quan cho cả thành phố. Các cơ sở hạ tầng hiện đại cũng được xây dựng nhiều hơn, từ đó công nhân từ nông thôn cũng kéo đến thành phố để làm việc.

Khi đó, người dân và các cơ sở hạ tầng khác vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực phía bắc sông Hán, nhưng sau đã được mở rộng đến phía nam. Chính quyền thành phố Seoul đẩy mạnh việc phát triển đảo Yeouido, giãn cư dân sang khu phía nam. Những cây cầu lớn cũng được xây dựng để kết nối phía nam và phía bắc thành phố.

Một bờ kè cao 10m, dài 7,6km xung quanh Yeouido cũng được xây dựng. Đến những năm 1970, theo kế hoạch, khu vực này đã được nhắm mục tiêu trở thành “Manhattan” của Seoul và địa giới hành chính của thành phố này được mở rộng lên tới 605 km2.

'Kỳ tích sông Hán': Sự chuyển mình ngoạn mục của Hàn Quốc thành con rồng của châu Á - Ảnh 2.

Hình ảnh tàu điện ngầm "ngày ấy", "bây giờ" của Seoul.

Sau khi các khu căn hộ được hoàn thiện, hệ thống tàu điện ngầm đã có sự đóng góp lớn cho hệ thống giao thông công cộng ở nước này. Đường tàu điện ngầm số 1 của Seoul được hoàn thành năm 1974, tuyến số 2 và số 4 đi vào vận hành trong năm 1984 và 1985. Các tuyến số 2, 3 và 4 tạo thành một chữ X đi khắp trung tâm Seoul. Một đường cao tốc đã xây dọc theo bờ sông để nối sân bay Gimpo với trung tâm thành phố và sân vận động Olympic.

Để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, chính phủ Hàn Quốc đã khởi động các dự án nhà ở khổng lồ được xây dựng tại các khu Mokdong, Kodokdong, Kaepodong và Sanggyedong.

“Quyền lực mềm” của Hàn Quốc

Sau 2 kỳ Olympic năm 1986 và 1988, Seoul đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, văn hoá ra thế giới. Quốc gia này đã biến văn hoá thành “quyền lực mềm” thông qua những bộ phim, show truyền hình thực tế và cả âm nhạc.

Những sản phẩm kể trên đã thâm nhập sâu rộng vào nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó không thể kể đến “Làn sóng Hallyu” nổi tiếng, được quảng bá bằng các nhóm nhạc Kpop hay các bộ phim truyền hình. Dần dần, những nội dung này đã trở thành trào lưu không chỉ ở riêng châu Á mà còn cả thế giới.

'Kỳ tích sông Hán': Sự chuyển mình ngoạn mục của Hàn Quốc thành con rồng của châu Á - Ảnh 3.

Làn sóng Hallyu góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới.

Cùng với đó, nền ẩm thực của Hàn Quốc cũng được lan toả mạnh mẽ. Những món ăn bình dân, truyền thống của đất nước này như kimchi, kimbab hay tteokbokki cũng rất phổ biến với người nước ngoài.

Chính phủ Hàn Quốc cũng rất tích cực tổ chức các lễ hội văn hóa, các chiến dịch quảng bá về hình ảnh của Hàn Quốc và cũng gián tiếp tạo môi trường thuận lợi cho ngành công nghiệp giải trí.

Rõ ràng rằng, “Kỳ tích sông Hán” đã đánh dấu một chặng đường mang tính lịch sử của Hàn Quốc. Từ một quốc gia nghèo nàn, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Hàn Quốc giờ đây đã có sự chuyển mình ngoạn mục để trở thành 1 trong 4 con rồng của châu Á.

WB thậm chí còn gọi sự thay đổi bất ngờ này của Hàn Quốc là “Kỳ tích Đông Á”. Hiện tại, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, với tốc độ tăng trưởng ổn định với GDP năm 2022 đạt 2,6%.

Tổng hợp

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên