MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân”

20-11-2020 - 18:04 PM | Sống

Đã từng bất lực nhìn bệnh nhân ra đi lẫn có những lần chẩn đoán sai bệnh, vị bác sĩ 20 năm đứng trên bục giảng gửi lời nhắn nhủ tận đáy lòng với sinh viên nhân ngày 20/11.

TS.BS Nguyễn Như Vinh hiện là Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM. Ngoài chuyên môn là một thầy thuốc, ông còn có 20 năm đứng trên bục giảng, là "ngọn hải đăng" soi đường cho bao thế hệ sinh viên y khoa.

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Như Vinh.

Từ bỏ ước mơ làm nhà toán học để trở thành bác sĩ và vượt qua nỗi sợ lây bệnh

TS.BS Vinh kể, lúc nhỏ trong đầu ông chưa hề mường tượng về việc sẽ trở thành bác sĩ mà ước mơ trở thành 1 nhà toán học, vì rất đam mê học toán.

Nhưng theo thời gian khi bắt đầu những năm trung học, ông bắt đầu chú ý đến ngành y.

"Thời đó bác sĩ được nhiều người yêu thích, sức học của tôi cũng đủ để có khả năng thi vào ngành này và ba mẹ tôi cũng mong muốn có con làm bác sĩ. Nên từ năm lớp 11, tôi không còn mơ mộng đến toán học nữa mà tập trung sức lực để thi y khoa" - ông kể.

Đỗ Đại học Y Dược TP.HCM, ban đầu bác sĩ Vinh nghĩ mình sẽ nhanh chán với những thể loại "học thuộc lòng" vốn là sở đoản của những người thích học toán. Tuy nhiên dần dà, ông nhận thấy y khoa dù là một ngành khoa học không chính xác nhưng cũng rất gần với toán học vì công việc chẩn đoán và điều trị cho một bệnh nào đó cũng cần những lập luận rất logic.

Sau này khi thực hành y khoa, với sở thích của một người học toán, ông cũng đam mê các lĩnh vực thống kê trong y học và có tham gia giảng dạy về lĩnh vực này.

Bằng năng lực của mình, bác sĩ Vinh thi đậu và học nội trú niên khóa 1999-2002. "Hô hấp là bệnh thường gặp phổ biến và có rất nhiều người quen, người thân của tôi mắc bệnh này. Tôi nghĩ rằng nếu mình theo con đường này thì sẽ giúp đỡ được cho họ" – bác sĩ Vinh chia sẻ. Vậy là bác sĩ chọn chuyên ngành Hô hấp.

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 2.
Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 3.
Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 4.

TS.BS Vinh hiện là Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, BV ĐHYD TP.HCM.

Chọn chuyên ngành Lao và Bệnh phổi, ban đầu bác sĩ Vinh cũng mang tâm lý e ngại vì sợ có thể bị lây bệnh trong quá trình hành nghề.

Đến khi vào BV thấy đồng nghiệp, đàn anh của mình làm việc với tinh thần "tất cả vì bệnh nhân", ông thấy mình như được tiếp thêm sự tự tin.

Đam mê công việc cùng với ý thức luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định bảo hộ của ngành y giúp ông vượt qua nỗi sợ.

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi

Nói về kỷ niệm hành nghề, TS.BS Vinh chia sẻ là một bác sĩ nội khoa, ông không tham gia vào công việc mổ xẻ. Nhưng có thời điểm các bác sĩ nội hô hấp phải làm một số phẫu thuật nhỏ. Nhiều trường hợp cũng đặt ông và các đồng nghiệp vào tình huống oái oăm.

"Lần đó, mình phải điều trị cho một bệnh nhân bị mủ màng phổi nặng, phải đặt ống dẫn lưu. Người bị mủ màng phổi có mùi giống như là hột vịt ung vậy, hôi dữ lắm. Khi rạch ra là bốc mùi nồng nặc khắp phòng nhưng vì sinh mạng bệnh nhân, tất cả các nhân viên y tế từ bác sĩ, y tá trong phòng đều vui vẻ chấp nhận thực hiện công việc" – ông kể.

Có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất trong hơn 20 năm y nghiệp của TS.BS Nguyễn Như Vinh là khi còn công tác tại Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch (quận 5, TP.HCM), nơi ông chứng kiến nhiều trường hợp bị bệnh tật hành hạ đến hơi thở cuối cùng.

"Tôi còn nhớ đó là năm 2002, có 2 vợ chồng bị bệnh bụi phổi nhập viện. Anh chồng nặng hơn, phổi trắng bóc, nặng đến tràn khí màng phổi. Thời điểm ấy đến hiện tại bệnh này không có thuốc điều trị, giống như "một cái chết báo trước".

Là bác sĩ nhưng mình không thể làm gì hơn ngoài việc trấn an tinh thần bệnh nhân, cho những thuốc giảm triệu chứng ho. Gần 1 năm sau, bệnh nhân tử vong vì tràn khí hai bên phổi và suy hô hấp nặng. Anh ấy ra đi để lại người vợ nghèo và mấy đứa con nheo nhóc…" – bác sĩ Vinh kể, giọng lặng đi.

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 5.

Cái chết của người đàn ông trên cũng là động lực giúp ông thực hiện đề tài tốt nghiệp bác sĩ nội trú là "Bệnh bụi phổi do bột TALC" dưới sự hướng dẫn của thầy ông là PGS.TS Phạm Lâm Trung để nghiên cứu về bệnh này ở các công nhân từ các cơ sở sản xuất dây thun – một vấn nạn tấn công sức khỏe của những người công nhân trong thời điểm đó.

Đề tài đã gióng lên hồi chuông báo động về bệnh bụi phổi, khiến cơ quan chức năng thấy được tầm quan trọng và dần có những quy định chặt chẽ hơn về bảo hộ lao động.

Giờ đây sau gần 20 năm trôi qua, những cái chết vì bột TALC đã được hạn chế tối đa.

Vị bác sĩ "hồi sinh" những giấc ngủ

Đến năm 2008, TS.BS Nguyễn Như Vinh chuyển sang bộ môn Y học Gia đình. Sau đó, ông vào BV Đại học Y Dược TP.HCM công tác chuyên về Y học gia đình và Hô hấp. Từ đây, ông chủ yếu tập trung điều trị bệnh nhân ngoại trú và chuyên tâm với công việc giảng dạy.

Khoảng thời gian này, ông cũng rất "mát tay" khi thường xuyên "giải cứu" cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị hen nặng.

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 6.

Niềm vui của TS.BS Vinh là giúp bệnh nhân hài lòng từ những điều nhỏ bé nhất.

"Năm 2019, có một bệnh nhân ở Đắk Lắk bị ho liên tục, ho nhiều đến nỗi anh ấy không ngủ được suốt 16 năm qua. Câu đầu tiên anh ấy nói khi gặp tôi là "bác sĩ ơi làm sao cho tôi ngủ được".

Từ kinh nghiệm điều trị, sau khi thăm khám tôi nhận ra ngay anh ấy bị hen suyễn dạng ho. Hen suyễn là bệnh phải ho, khạc đờm, khó thở... trong khi đó một số người chỉ có triệu chứng ho nên các bác sĩ trẻ dễ nhầm lẫn. Cuối cùng là bệnh nhân không khỏi.

Tôi cho bệnh nhân dùng thuốc trị hen, sau 1 tháng thì cải thiện triệu chứng rõ rệt. Ngày tái khám, anh ấy vô cùng vui mừng, đến cảm ơn tôi vì đã có giấc ngủ ngon sau nhiều năm đằng đẵng.

Ngoài anh ấy, tôi đã từng tiếp nhận nhiều ca bệnh tương tự, bị mất ngủ suốt 5-7 năm" – TS.BS Vinh kể tiếp.

"Y khoa là ngành phải dấn thân. Muốn làm bác sĩ đầu tiên phải có lòng nhân ái"

Vừa làm công tác chuyên môn lại lãnh trọng trách "đưa đò" cho sinh viên y khoa, việc sắp xếp thời gian cho công việc và cuộc sống riêng cũng là một vấn đề với TS.BS Vinh.

Ông tâm sự, mình may mắn được vợ con thấu hiểu và ủng hộ tối đa cũng như không phải gồng mình với các ca trực. Buổi sáng là thời điểm BS Vinh dồn tâm sức cho bệnh nhân.

Sau 12 giờ, ông tranh thủ ăn trưa rồi sang trường nghỉ ngơi, chỉnh lại giáo án đã chuẩn bị để lên lớp.

Vì bình thường đã quá bận rộn nên những ngày lễ hay cuối tuần, ông cố gắng dành hết thời gian để chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình.

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 7.

20 năm thực hiện công tác giảng dạy tại Đại học Y Dược TP.HCM, TS.BS Nguyễn Như Vinh tự nhận ra, rằng ngành y là ngành giúp đỡ con người. Do đó, ông luôn truyền tải tới sinh viên y khoa của mình thông điệp "Với người muốn làm bác sĩ đầu tiên phải có lòng nhân ái, phải thương người bệnh".

"Bác sĩ phải tôn trọng người bệnh, phải giúp đỡ họ tận tình đến nơi đến chốn. Từ việc nhỏ nhất là hướng dẫn người bệnh cách sử dụng thuốc một cách rõ ràng đến việc phải lựa chọn thuốc thích hợp với điều kiện kinh tế của họ để tránh trường hợp mua thuốc quá mắc tiền không cần thiết.

Khi có tình thương với người bệnh, bác sĩ sẽ tự biết cách giao tiếp nhẹ nhàng nhưng hiệu quả để giúp người bệnh tuân thủ điều trị. Không bao giờ gắt giọng với người bệnh, vì họ còn bao nhiêu nỗi khổ tâm đang đối mặt. Trong những bài giảng của mình, tôi thường nói về câu chuyện đồng cảm với bệnh nhân.

Khi đồng cảm với nổi khổ vì bệnh tật của người bệnh thì tự khắc mình sẽ biết điều gì cần làm là tốt nhất cho người bệnh" – bác sĩ Vinh phân tích và cho rằng trong y học, dù có hiện đại đến đâu thì sai sót là điều không tránh khỏi.

Chỉ có làm việc bằng cái tâm và với tinh thần cẩn trọng thì sự sai sót mới được hạn chế đến mức thấp nhất có thể.

Ông cũng thẳng thắn thừa nhận, đã có một vài lần vì bệnh khó quá nên ông đã chẩn đoán sai, cho thuốc không hợp lý nhưng may mắn phát hiện ra kịp thời và bệnh nhân không bị các hậu quả nghiêm trọng.

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 8.
Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 9.
Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 10.

Vị bác sĩ cũng nhắn nhủ với sinh viên của mình, rằng y khoa là ngành phải dấn thân:

"Không ai chọn vào ngành Y chỉ để kiếm tiền cả, vì ngành Y đòi hỏi sự phục vụ nhiều hơn. Nếu chịu khó học hỏi, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn thì chính những bệnh nhân sẽ nuôi lại mình để mình có một cuộc sống đủ về vật chất để tiếp tục phục vụ.

Tôi rất tâm đắc một câu nói của một người thầy ở Hà Nội trao đổi với chúng tôi trong một hội thảo y khoa đó là "Làm ngành Y nếu mà giàu quá thì không tốt, nhưng mà nghèo quá thì phải xem lại trình độ chuyên môn của mình".

Khi giảng dạy, TS.BS Vinh hay nói với các sinh viên và các bác sĩ trẻ rằng càng học sẽ càng thấy kiến thức quá mênh mông và nhận ra những gì mình biết còn rất hạn chế.

"Kiến thức y khoa hiện đại thay đổi quá nhanh chóng, có những cái chúng ta đoán chắc mười mươi là đúng hôm nay thì ngày mai lại không còn đúng nữa.

Do vậy khi làm ngành y, các em phải hết sức thận trọng không nên quá tự tin vào kiến thức của mình và phải luôn cập nhật liên tục kiến thức mới thông qua các chương trình đào tạo, hội nghị hay hội thảo" – TS.BS Nguyễn Như Vinh nói.

Ký ức bất lực nhìn bệnh nhân ra đi của vị bác sĩ 20 năm vừa làm thầy giáo vừa chữa bệnh và lời nhắn nhủ sinh viên: “Y khoa là ngành phải dấn thân” - Ảnh 11.

Theo Hoàng Lê

Pháp luật và Bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên