Kỳ vọng gì vào cổ phiếu năm Nhâm Dần?
Các chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán năm cọp (Nhâm Dần) sẽ không "hung hãn" nhưng vẫn là một thị trường đầy tiềm năng với nhiều nhóm cổ phiếu hấp dẫn và VN-Index có thể lên 1.755 điểm.
- 03-02-2022Bất động sản, vàng và chứng khoán: Bỏ "trứng" vào giỏ nào để đem tiền về trong năm 2022?
- 02-02-2022Chuyên gia phong thủy Phạm Cương: Chứng khoán sẽ vận động theo xu hướng "tiền hung hậu cát", nhà đầu tư không nên bung sức đầu năm Nhâm Dần 2022
- 01-02-2022"Chốt" lượng lớn cổ phiếu HAG ngay đỉnh cao, lãi tự doanh Chứng khoán Công Thương đột biến lên 148 tỷ đồng trong quý 4/2021
Năm 2021 là năm thành công với thị trường chứng khoán, khi các đỉnh cao quan trọng của thị trường đều được vượt qua dễ dàng. Năm 2022 khó có cơ hội như thế nhưng vẫn là một năm thuận lợi với đà phát triển kinh tế ổn định trở lại. Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư phải "nhìn xa trông rộng", chọn lựa đúng cổ phiếu và đúng thời điểm chứ không phải "ăn may" như năm qua.
Vẫn hấp dẫn
Việc vừa đảm bảo gói kích thích kinh tế đi đúng hướng vừa đảm bảo phục hồi nền kinh tế nhưng không để xảy ra lạm phát là điều các chuyên gia đã bàn rất nhiều trong những ngày đầu năm 2022. Dòng tiền sẽ chảy về đâu trong năm 2022 và chứng khoán có còn hấp dẫn là điều mà nhiều nhà đầu tư "ôm chứng" quan tâm.
PGS- TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng nền kinh tế Việt Nam chịu áp lực giữa tăng trưởng và lạm phát khi gói kích thích kinh tế 350.000 tỉ đồng được chính thức triển khai. Khi kinh tế suy thoái như năm 2021 thì chứng khoán tăng mạnh là điều dễ hiểu, bởi việc dòng tiền bị "cô lập" do các kênh đầu tư trực tiếp khác bị đại dịch "cản trở". Trong giai đoạn này, được đẩy mạnh nhất là mũi đầu tư công và với lực hút mạnh của thị trường chứng khoán thì chắc chắn cổ phiếu liên quan ngành này sẽ hút tiền.
Một chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng việc đảo chiều của thị trường chứng khoán trong tháng đầu năm 2022 là điều khó tránh khi thị trường đã tăng mạnh kéo dài. Đó là điều tốt cho một thị trường phát triển ổn định, bền vững. Năm 2022 sẽ là năm mà nhà đầu tư phải chọn lựa cổ phiếu giá trị, đảm bảo tăng trưởng theo sự ổn định, phát triển của nền kinh tế. Năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ không còn "ăn may", mua gì cũng trúng mà nhà đầu tư phải chọn lọc cổ phiếu, đầu tư giá trị và biết cách sử dụng dòng tiền.
VN-Index 2022 dự báo lên 1.755 điểm
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo có thể năm 2022 áp lực cung cổ phiếu tăng, ảnh hưởng khả năng hấp thụ, dẫn đến thị trường tăng trưởng chậm, sẽ tạo áp lực cho thị trường nếu nhà đầu tư F0 không mạnh mẽ như 2021. Dòng tiền, theo VDSC, sẽ luân chuyển giữa các ngành. Vì vậy, khả năng xác định thời điểm giải ngân và lựa chọn đúng cổ phiếu sẽ mang lại hiệu suất đầu tư tốt hơn chứ không phải là "ăn may".
"Nhìn xa trông rộng"
Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định 2022 là năm tiếp tục tích cực và cần "nhìn xa trông rộng" với thị trường chứng khoán. Thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.
Ngoài ra, năm 2022, ngành ngân hàng có nhiều thay đổi do Nhà nước xây dựng khung pháp lý về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu, bao gồm các thông tư, dự thảo liên quan … sẽ khiến cho các ngân hàng phải công bố nợ xấu thực. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó gia hạn nợ xấu hơn khi ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp để tái cơ cấu nợ có vấn đề. Điều này sẽ làm tăng rủi ro đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2022 chính là gói kích thích kinh tế dự kiến được Quốc hội thông qua, bao gồm một gói hỗ trợ lãi suất mới. Do đó, một số ngành có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn như: Xuất khẩu thuỷ sản, dệt may và vận tải biển.
Một số loại hàng hóa có thể đạt mức giá cao trong nửa đầu năm 2022 như phân bón, thủy sản, hóa chất và mía đường. Ngành hưởng lợi từ đầu tư công là xây dựng, bất động sản dân cư và bất động sản Khu công nghiệp. Ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp là chứng khoán và bất động sản dân cư.
Các sáng kiến phát triển thị trường vốn như: Triển khai T+0 (mua bán chứng khoán trong ngày), và mô hình bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) dự kiến cũng sẽ là các yếu tố chính thúc thúc đẩy thị trường chứng khoán trong năm 2022. Chính điều này có thể hỗ trợ cho việc xem xét nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi sẽ được công bố vào tháng 9-2022.
"SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu là 13% trong 2022. P/E (giá thị trường/thu nhập của một cổ phiếu) hiện tại là 15,4x. P/E thị trường mục tiêu của chúng tôi là 16x, tương ứng VN-Index có thể đạt 1.750 điểm trong năm 2022"- SSI dự báo.
Trong khi đó, theo VDSC, VN-Index sẽ trong khoảng 1.340-1.730 điểm trong năm nay, dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) 17% và mức P/E dự phóng 2022 là 16,4 lần. VDSC cũng cho rằng chứng khoán 2022 sẽ tiếp tục sôi động, với ước tính sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới mỗi tháng. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường dự báo khoảng 30.000 - 35.000 tỉ đồng/phiên (tăng 36% so với năm trước)
Người lao động