Kỳ vọng lãi suất vay giảm
Về diễn biến lãi suất trong năm 2020, xu hướng lạm phát thấp, tỉ giá tiếp tục ổn định và Ngân hàng Nhà nước có thêm công cụ kiểm soát dòng tiền... là các yếu tố có thể kéo giảm lãi suất cho vay.
- 27-12-2019Lãi suất VND năm 2020 có giảm được không?
- 25-12-2019SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên tới 9,3%/năm
- 25-12-2019Đã có 60 ngân hàng trung ương với 113 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2019
Hơn một tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ cho các kỳ hạn dưới 6 tháng và hàng loạt lãi suất điều hành, lãi suất huy động trên thị trường lại có diễn biến mới.
Huy động chứng chỉ tiền gửi từ 100.000 đồng
NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi Phát lộc với lãi suất 9,1%/năm kỳ hạn 6 năm và lãi suất tới 9,3%/năm kỳ hạn 8 năm. Mức lãi suất cao được áp dụng cho năm đầu tiên và sẽ được điều chỉnh hằng năm.
Ngân hàng Nhà nước hiện có nhiều công cụ để điều hành lãi suất theo hướng có lợi cho người vay Ảnh: TẤN THẠNH
Đáng lưu ý, số tiền khách hàng tham gia chỉ từ 100.000 đồng. Đây là mức tiền gửi huy động để tham gia mua chứng chỉ khá thấp, so với những chương trình của các NH khác trước đó. Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm. Phát hành chứng chỉ tiền gửi là cách được một số NH thương mại triển khai thời gian qua nhằm huy động vốn trung dài hạn. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm.
Đây là diễn biến đáng kể sau hơn 1 tháng từ khi NHNN công bố giảm trần lãi suất huy động bằng VNĐ đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm trần lãi suất cho vay bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên... Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng tự ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Việc một số NH tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài, được lãnh đạo một số NH và chuyên gia lý giải nhằm gia tăng nguồn vốn dài hạn để đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của NHNN. Tỉ lệ này theo quy định sẽ giảm xuống 40% từ đầu năm 2020.
Lãnh đạo một NH thương mại quy mô lớn, hội sở tại Hà Nội, phân tích động thái nhích lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn dài chủ yếu nhằm chạy đua trước khi "chốt sổ" năm 2019. Dù vậy, đây không phải là xu hướng phổ biến trên thị trường.
Lãi suất cơ bản nhiều nước giảm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, năm nay, lạm phát được kiểm soát ở mức 2,79%, nền kinh tế tăng trưởng 7,02%. Tính đến ngày 20-12, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 12,1% so với cuối năm ngoái. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản ổn định.
Các số liệu khả quan này được thị trường kỳ vọng trong năm 2020, lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát dưới 4% như mục tiêu do Quốc hội đặt ra, kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2019.
Theo Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2020, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5-1 điểm %/năm, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay. Báo cáo nhận định xu hướng giảm lãi suất trở nên rõ nét hơn ở Việt Nam với các động thái mạnh mẽ từ NHNN, hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5 điểm %/năm lãi suất cho vay trong năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu trước Quốc hội.
Để kinh tế tiếp tục đi lên trong thời gian tới, một thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng không ít chuyên gia khuyến nghị lãi suất cho vay bình quân cần giảm thêm 0,75-1 điểm %/năm.
TS Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP HCM) nhận định sau động thái giảm lãi suất USD lần thứ 3 trong năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lãi suất VNĐ tại một số NH đã giảm nhẹ. Điều này được kỳ vọng sẽ kéo lãi suất cho vay giảm thời gian tới.
Mặt khác, hiện nay vào cuối ngày, một dòng tiền rất lớn mà Kho bạc Nhà nước gửi tại các NH thương mại được điều chuyển về NHNN. Điều này giúp NHNN có thêm công cụ điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở dòng tiền có sẵn, từ đó bơm thêm tiền ra thị trường, góp phần kéo giảm lãi suất nhưng vẫn không làm cho lạm phát đi lên. Lạm phát Việt Nam chỉ ở mức 3% đến dưới 4% nên NHNN vẫn còn dư địa để tăng thêm cung tiền cho các nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kéo giảm lãi suất.
TS Bùi Quang Tín nhìn nhận dù còn khó khăn trong việc tiết giảm chi phí đầu vào do phải tăng huy động kỳ hạn dài để tái cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, song nhiều NH đang tung ra gói tín dụng lãi suất ưu đãi thu hút khách hàng cuối năm. Cộng thêm yếu tố NHNN vừa giảm thêm lãi suất tín phiếu lần thứ 3, hiện ở mức 2,25%/năm - đây cũng là điều kiện để các NH kéo lãi suất xuống, kích cầu tín dụng trong thời gian tới. Khi chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho cũng sẽ giảm theo.
Theo một số chuyên gia kinh tế, trên thị trường quốc tế, NH trung ương nhiều nước có xu hướng tiếp tục giảm lãi suất cơ bản 0,1-0,5 điểm %/năm. Do đó, lãi suất tại Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng này.
Người lao động