Kỳ vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ quay trở lại một cách mạnh mẽ nhờ điều này
Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group kỳ vọng năm 2023, thị trường du lịch sẽ tốt hơn. Lúc đấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ quay trở lại một cách mạnh mẽ.
- 27-01-2023Qua thời “cứ bỏ tiền vào đất là lãi tiền tỷ”
- 27-01-2023Vỡ kế hoạch trả góp mua nhà vì thất nghiệp
- 27-01-2023Khi nào thị trường bất động sản “tan băng”?
Theo báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2022, cả nước đón nhận hơn 19.124 sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng mới. Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với gần 8.000 sản phẩm, tương đương khoảng 42% lượng cung toàn thị trường.
Về lượng giao dịch sản phẩm căn hộ du lịch chưa tốt như kỳ vọng vì còn điểm nghẽn về pháp lý trong bối cảnh ngành du lịch chưa hồi phục.
Mức giá bán sơ cấp dao động từ 17-167 triệu đồng/m2. Khu vực miền Nam ghi nhận nền giá cao nhất với mức giá từ 35-167 triệu đồng/m2. Tính chung cả năm 2022, mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp tăng trung bình 12-15% so với năm 2021 do các dự án mới có mức giá chào bán cao.
Cũng theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong thời gian tới, nguồn cung bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng khả năng sẽ vẫn giảm, hạn chế. Chỉ các chủ đầu tư có đủ nguồn lực mới có khả năng phát triển dự án. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng trong năm 2023. Mặc dù nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cao nhưng thực tế, thị trường này vẫn sẽ chậm giao dịch vì vướng mắc pháp lý, dòng tiền khó và phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành du lịch.
Còn theo báo cáo mới nhất của DKRA Vietnam, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung có sự hồi phục so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng vẫn còn khá thấp so với giai đoạn năm 2019. Sức cầu thị trường ở mức cao, tuy nhiên chỉ tập trung cục bộ tại một số dự án.
Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường ghi nhận 4.795 nguồn cung mới đến từ 42 dự án trong năm 2022, tăng 20% so với năm ngoái. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 65% (tương đương 3.124 căn), tăng 9% so với năm 2021. Hầu hết nguồn cung đến từ miền Trung và miền Bắc. Các khu vực phát triển mạnh về nghỉ dưỡng như Bình Thuận, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, tiếp tục đóng góp tỷ trọng khá lớn vào tổng nguồn cung và lượng tiêu thụ cả nước.
Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục tăng cao, trung bình từ 16-19% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn 6 tháng cuối năm, hầu hết các chủ đầu tư điều chỉnh thời gian triển khai mở bán nhằm tối ưu hiệu quả bán hàng.
Ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng vẫn là điểm sáng thu hút sự quan tâm của thị trường. Ghi nhận năm 2022, nguồn cung mới tăng đáng kể với 7.647 căn đến từ 27 dự án, tăng 34% so với năm 2021. Sức cầu thị trường ở mức cao với lượng tiêu thụ đạt khoảng 5.296 căn, tương đương 69% nguồn cung mới và tăng 6% so với năm ngoái. Những khu vực quen thuộc như Bình Thuận, Kiên Giang, Thanh Hóa vẫn là địa phương dẫn đầu về nguồn cung cũng như lượng tiêu thụ cả nước. Thị trường cũng đón nhận nguồn cung mới tại khu vực Tây Nguyên sau nhiều năm khan hiếm.
Giá bán sơ cấp tăng cao, dao động từ 25-30% so với cùng kỳ. Các đợt mở bán cũng ghi nhận chênh lệch mức giá rõ rệt, tăng dao động từ 7-10% (mỗi đợt cách nhau 4-6 tháng). Nhiều chủ đầu tư áp dụng các chính sách kích cầu thị trường và hỗ trợ khách hàng như cam kết mua lại, thuê lại, hỗ trợ lãi suất, chiết khấu thanh toán nhanh lên đến 40%.
Có thể thấy, thời gian qua, trong tất cả các phân khúc, bất động sản nghỉ dưỡng bị chìm trong “đáy” của khủng hoảng. Đưa ra nhận định về tương lai của phân khúc này, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group) cho rằng: “Bất động sản nghỉ dưỡng là một dòng bất động sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong thị trường bất động sản Việt Nam. Bởi vì, nước ta có một bờ biển dài với núi non, cảnh quan hùng vĩ.
Thời gian vừa qua, ngoài câu chuyện về giá của bất động sản nghỉ dưỡng thì loại hình bất động sản này chưa có pháp lý rõ ràng. Thứ hai, loại hình bất động sản này gặp đúng thời điểm Covid-19 dẫn đến câu chuyện nhu cầu đi du lịch ít đi, làm cho sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng gặp yếu thế trên đường đua trong ngành bất động sản”.
Ông Tuyển chia sẻ thêm, nhưng rõ ràng ở thời điểm hiện tại, chúng ta kỳ vọng vào việc thay đổi Luật nhà ở sắp tới. Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có được vị thế tốt thông qua việc có thể được cấp sổ hoặc cấp giấy chứng nhận về sử dụng đất. Thứ hai, Covid-19 coi như đến thời điểm hiện tại cũng đã kết thúc. Do đó, nhu cầu du lịch của năm 2022 cũng đã tốt hơn hẳn so với cả những năm trước và năm 2023 chắc chắn sẽ còn tốt hơn. Ngoài ra, cũng kỳ vọng những nước mà có tăng trưởng tốt thời gian vừa qua mở cửa và đến Việt Nam, thị trường du lịch sẽ tốt hơn. Lúc đấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ quay trở lại một cách mạnh mẽ.
Nhịp sống thị trường