MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng từ cơ chế mới xử lý nợ xấu gây "sóng" cổ phiếu ngân hàng

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử nợ xấu là bài toán rất rất khó đặt trên vai Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Nhưng nếu xử lý thành công, theo lời Thống đốc Lê Minh Hưng, sẽ giải phóng lượng lớn tín dụng cho nền kinh tế.

Phiên giao dịch ngày 22/5, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên tăng điểm kỷ lục của năm 2017. Có thời điểm VN-Index tăng gần 13 điểm. Một lần nữa, cổ phiếu vua lại trở thành đầu tàu dẫn sóng, kéo cả hai chỉ số tăng vọt. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng nóng đi cùng với đó là khối lượng giao dịch “khủng”.

Trên HoSE, 5/10 cổ phiếu tác động lớn nhất kéo chỉ số tăng là thuộc nhóm ngân hàng, gồm BID (6,98%), CTG (+5,49%), VCB(+2,04%), MBB (+3,1%) và STB (+2,42%). Trong khi đó, trên sàn HNX, ACB và SHB là hai cổ phiếu dẫn đầu kéo chỉ số HNX-Index tăng điểm phiên hôm nay.

BID trở thành "hiện tượng" khi giá cổ phiếu liên tục được giao dịch ở mức kịch trần. Khối lượng cổ phiếu giao dịch cao kỷ lục, đạt 15,7 triệu cổ phiếu.

Top 10 cổ phiếu dẫn đầu phiên giao dịch 22/5

Kỳ vọng từ cơ chế mới xử lý nợ xấu

Ngày 22/5 cũng là ngày khai mạc chính thức kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIV. Nhiều nội dung quan trọng được kỳ vọng giải quyết, trong đó, nhận được quan tâm hơn cả là các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành ngân hàng, lĩnh vực được coi là mạch máu cung cấp tới 70% vốn cho nền kinh tế.

Cụ thể, trong các ngày tới đây. Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và xem xét Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Dự thảo về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng tập trung về các cơ chế áp dụng đối với tổ chức tín dụng yếu kém mà trước đây luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa đề cập tới.

Còn Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu chuẩn bị trình Quốc hội dự kiến nếu được thông qua sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngay ngày 1/7/2017. Nghị quyết bao gồm các quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSĐB) theo giá thị trường, về mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm...

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử nợ xấu không phải là bài toán khó mà rất rất khó đặt trên vai Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, theo báo cáo Thống đốc Lê Minh Hưng tại Hội nghị Thủ tướng - Doanh nghiệp ngày 17/5, nếu Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua sớm sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn. Qua đó, sẽ giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Dự thảo nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho cả các đối tượng không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Cùng đó, quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm cũng có trong dự thảo nghị quyết này.

Liên quan đến cơ chế xử lý nợ xấu, chỉ trước thềm khai mạc kỳ họp Quốc hội một tuần, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2017/NĐ-CP về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn. Nghị định cũng có hiệu lực ngày từ 1/7 tới.

Theo phân tích của CTCK Tp. Hồ Chí Minh, mấu chốt của việc mua nợ xấu là thẩm định chính xác giá trị khoản nợ xấu đó bằng việc đánh giá cả rủi ro và giá trị thời gian liên quan đến việc hiện thực hóa giá trị của TSĐB của khoản nợ xấu.

Nghị định lần này đang dần tháo gỡ các vấn đề trên. Khung pháp lý cho VAMC xác định và thỏa thuận giá trị các khoản nợ xấu/TSBĐ dựa trên giá thị trường đã được đề ra, cho phép VAMC quyền lựa chọn sau cùng khi lựa chọn công ty thẩm định giá và quyền giảm giá bán cho đến khi tìm được người mua. Mỗi lần giảm không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.

Ngoài quy định trong Nghị định 61 mới ban hành, HSC cũng cho rằng thị trường mua bán nợ thứ cấp dự kiến sẽ được thành lập trong cuối năm nay sẽ là một yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Cơ chế, chính sách cho xử lý nợ xấu càng nhanh chóng được thiết lập thì càng sớm có cơ sở để giải quyết khối lượng tài sản thế chấp qua đó giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng.

Tín dụng 4 tháng tăng kỷ lục

Một thông tin khác về ngành ngân hàng cũng được Thống đốc Lê Minh Hưng công bố tại Hội nghị ngày 17/5 chính là con số tăng trưởng tín dụng. Thống đốc cho biết tín dụng đến cuối tháng 4 cao kỷ lục 8 năm, lên tới 5,76% trong khi cùng kỳ chỉ đạt 4,2%. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%.

Khi cho vay truyền thống vẫn là “nồi cơm” chính của các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng ở mức cao hứa hẹn mức tăng lên tương ứng của các nguồn thu.

Ba tháng đầu năm 2017, tín dụng của ngành ngân hàng cũng cao hơn cùng kỳ. Đây cũng là một trong các lý do giúp nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Như trường hợp của ACB, lợi nhuận ngân hàng quý I đạt gần 595 tỷ đồng, tăng 52,8% cùng kỳ dù chi phí trích lập dự phòng tăng cao (366 tỷ đồng), gấp 6 lần cùng kỳ 2015. Đây cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong các ngân hàng niêm yết, đạt 11,5%.

Kết quả kinh doanh trong quý I/2017 tại các ngân hàng phần lớn đều được cải thiện. Lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng trên sàn tăng trưởng 16,9% so với quý I/2016.

Tín dụng tăng mạnh trong các tháng đầu năm cũng đặt ra yêu cầu về kiểm soát tín dụng cho những tháng còn lại. Tín dụng ngân hàng theo mục tiêu Quốc hội đề ra là không vượt quá mục tiêu cả năm 18%, thấp hơn thực hiện 2016.

Tại buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh khi tín dụng tăng nhanh cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp.

Theo Thanh Thủy

NDH

Trở lên trên