Kỳ vọng vào “game” thoái vốn, hàng loạt cổ phiếu “họ PVX” đồng loạt dậy sóng?
Trong phiên giao dịch 4/7/2017, PVX bất ngờ thu hút dòng tiền lớn từ giới đầu tư và tăng kịch trần ngay từ những phút đầu phiên. Kết thúc phiên giao dịch, PVX vẫn còn dư mua trần và ATO lên tới 12 triệu cổ phiếu.
- 08-05-2017Doanh thu giảm sút mạnh, PVX chỉ lãi hơn 4 tỷ đồng quý 1/2017
- 08-03-2017PVX tiếp tục muốn thoái vốn tại PVC-ID để huy động tiền
- 30-11-2016PVC (PVX) quyết định thoái toàn bộ vốn tại PVSD với giá không dưới 10.000 đồng/cổ phần
TCT Xây lắp dầu khí Việt Nam (Mã CK: PVX) là cái tên “đình đám” trực thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam – PVN. Tuy vậy, từ “đình đám” của PVX lại mang 2 sắc thái khác nhau, vừa tích cực, vừa tiêu cực.
Về mặt tích cực, sau 34 năm hình thành, PVX đã khẳng định được uy tín, năng lực trên các công trình trọng điểm của ngành Dầu khí và đất nước. Từ vai trò thầu phụ cho các nhà thầu quốc tế, PVX đã vươn lên trở thành Tổng thầu EPC thực hiện các công trình có quy mô ngày càng lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp như Tổng kho LPG Gò Dầu, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2… Ngoài ra, PVX cũng khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, xây lắp giàn khoan, chân đế giàn khoan…
Đỉnh cao của PVX rơi vào năm 2010 khi Tổng công ty này đạt doanh thu thuần 7.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kỷ lục gần 750 tỷ đồng. Khi đó, giá cổ phiếu PVX lên tới trên 30.000 đồng và trở thành Bluechips có tầm ảnh hưởng lớn trên sàn HNX. Không chỉ PVX, hàng loạt những cổ phiếu “gắn mác” dầu khí khi đó cũng đồng loạt dậy sóng.
Tuy vậy, việc đầu tư quá dàn trải ra các lĩnh vực ngoài ngành như bất động sản dưới thời cựu chủ tịch Trịnh Xuân Thanh đã khiến PVX phải trả giá. Kể từ cuối năm 2010, thời điểm “bong bóng” bất động sản xì hơi đã kéo PVX lao dốc không phanh. Từ một Tổng công ty lớn làm ăn hiệu quả của PVN, đến cuối năm 2016, số lỗ lũy kế của PVX đã lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu PVX và hàng loạt cổ phiếu của các công ty con như PXL, PFL, SDP…đồng loạt lao dốc về vùng giá “rau dưa, trà đá”.
Trong 3 năm gần đây, PVX đã bắt đầu có lãi trở lại nhưng mức lợi nhuận là không đáng kể. Cổ phiếu PVX và nhiều thành viên liên quan vẫn chỉ quanh quẩn vùng giá vài nghìn đồng và ít được giới đầu tư chú ý đến.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu PVX
Rầm rộ tái cấu trúc, “họ PVX” đồng loạt nổi sóng
Trong phiên giao dịch 4/7/2017, PVX bất ngờ thu hút dòng tiền lớn từ giới đầu tư và tăng kịch trần ngay từ những phút đầu phiên. Kết thúc phiên giao dịch, PVX vẫn còn dư mua trần và ATO lên tới 12 triệu cổ phiếu đã cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu này.
Không chỉ PVX, hàng loạt những cái tên trong “họ PVX” như PXL, PTL, PFL cũng đồng loạt tăng mạnh và điều này khiến không ít nhà đầu tư trên thị trường đồn đoán về “game” thoái vốn của “họ PVX”.
Thực vậy, sau nhiều năm gặp khó khăn chồng chất, PVX đã quyết định thực hiện tái cơ cấu tập đoàn và trọng tâm trong đó là thoái vốn khỏi một số công ty con.
Theo kế hoạch được công bố vào cuối tháng 3/2017, PVX sẽ thực hiện thoái vốn/ giải thể/ phá sản tại 23 đơn vị thành viên trong giai đoạn 2017 – 2010, bao gồm những cái tên như CTCP Đầu tư Hạ tầng và đô thị dầu khí (PTL), CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí IDICO (PXL), CTCP Trang trí nội thất Dầu khí (PID), CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (SDP)… Trong đó, riêng trong năm 2017, PVX sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu, thoái vốn/ giải thể/ phá sản tối thiểu 10 đơn vị.
Trong năm 2017, PVX lên kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn/giải thể/phá sản tối thiểu 10 đơn vị trong danh sách
Hiện tại, trong danh mục được công bố, PVX mới chỉ hoàn tất thoái vốn khỏi SDP vào giai đoạn cuối tháng 3. Một điểm đáng chú ý, mức giá thoái vốn của PVX là 10.000 đồng/cp, cao hơn đáng kể so với thị giá SDP khi đó (khoảng 4.000 đồng). Tuy nhiên, thông tin PVX thực hiện thoái vốn với mức giá “ngất ngưởng” cũng giúp cổ phiếu SDP có nhịp sóng tăng mạnh từ 4.000 đồng lên 7.500 đồng.
Ngoài SDP, PVX cũng đã công bố kế hoạch thoái vốn khỏi PID với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp và điều này đã giúp cổ phiếu có nhịp tăng mạnh trong giai đoạn tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, cho đến lúc này việc thoái vốn của PVX tại PID vẫn chưa được hoàn tất.
Nửa đầu năm 2017 đã trôi qua và PVX mới chỉ hoàn tất 1 thương vụ thoái vốn trong kế hoạch tối thiểu 10 đơn vị và do đó, nhiều khả năng hoạt động tái cấu trúc, thoái vốn của PVX sẽ diễn ra rầm rộ hơn trong nửa cuối năm.
Việc thực thoái vốn khỏi một số công ty thành viên không chỉ giúp PVX tinh gọn bộ máy mà còn giúp “ông lớn” một thời này có thêm nguồn tiền để trang trải cho các dự án (tiêu biểu là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2) và đây là điều được nhà đầu tư đang chờ đợi. Bên cạnh đó, mức giá thoái vốn của PVX tại các đơn vị thành viên thường không thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng) cũng là yếu tố tạo sóng cho các cổ phiếu “họ PVX”.
Trí Thức Trẻ