Kỳ vọng về hành trình mới của nền kinh tế trong năm Rồng
Đối diện loạt thách thức và cơ hội đan xen, nhiều doanh nghiệp với nỗ lực không ngừng nghỉ đã khẳng định thực lực “vượt vũ môn” thời đại, sản sinh sức đề kháng trước biến động, để phục hồi và phát triển nhằm “hoá Rồng" giai đoạn tới.
- 18-01-2024Những kịch bản và những điểm nhìn cho tăng trưởng GDP năm 2024
- 18-01-2024Diễn biến mới về xây cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị nối Hoà Lạc hơn 3,4 tỷ USD
- 18-01-2024Trước năm 2040, khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng trữ lượng gấp 20 lần bể than Quảng Ninh
Năm 2023, kinh tế vĩ mô Việt Nam đứng trước nhiều đợt sóng lớn. Khi cả bộ máy của nước ta đều vào cuộc với mong muốn vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch, thì loạt biến động bất ngờ của địa chính trị quốc tế xảy ra liên tiếp, cùng nhiều điểm nóng từ các vụ án kinh tế lớn trong nước. Những thách thức mà theo nhiều chuyên gia là "chưa từng có trong lịch sử" đã khiến kinh tế Việt Nam giảm tốc.
Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, các cấp, ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân nhằm khai thông nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, Việt Nam đã có một năm vượt khó với nhiều điểm sáng.
Cụ thể, xu hướng tích cực hơn trong những tháng cuối năm đã giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt 5,05%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lần đầu tiên quy mô GDP của nước ta vượt 400 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Cùng với mức giải ngân vốn FDI kỷ lục từ trước tới nay, đạt 23,18 tỷ USD, Việt Nam trở thành một "ngôi sao đang lên" trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với các cơ hội tham gia vào thị trường bán dẫn, vi mạch.
Song song với đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thách thức lớn vẫn còn tồn tại và cần sớm được giải quyết khi bước sang năm 2024.
Dưới góc độ doanh nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế, sau hai năm kiên cường chống chọi với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Năm qua, đã có hơn 201.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% so với năm trước.
Đối diện với loạt thách thức và cơ hội đan xen, nhiều doanh nghiệp nỗ lực khẳng định thực lực, sản sinh sức đề kháng trước biến động, để phục hồi và phát triển.
Năm 2024 – năm Rồng. Đây cũng được đánh giá là năm bản lề trong quan trọng chiến dịch "hoá Rồng" của Việt Nam, với mục tiêu trở thành một cường quốc hạng trung và người dân có thu nhập cao vào năm 2045. Sau một năm tìm mọi cách vượt khó khăn, vươn lên, các chính sách kỳ vọng sẽ được mở hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp có thể "hoá Rồng".
Và trong bối cảnh khó khăn vẫn còn đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn kiên trì tiến bước, tìm kiếm các cơ hội bứt tốc, đặc biệt là về công nghệ, với tinh thần tự lực tự cường… chứ không có thái độ bi quan, hay yếm thế.
"Kinh tế Rồng" là những câu chuyện từ các chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý chia sẻ câu chuyện trong việc tìm ra hướng phát triển đột phá với công nghệ, vượt qua khó khăn triền miên kể cả những biến cố lớn, đón bắt cơ hội trong khủng hoảng… cùng những bài học kinh nghiệm quý giá từ quá trình đó.
Chúng tôi hy vọng những câu chuyện của họ có thể đem lại thêm cảm hứng, hy vọng, khát vọng cho nhiều người khác vẫn đang xoay xở với khó khăn của riêng mình, kiên trì tiến bước, đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào mục tiêu chung của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Nhịp sống thị trường