Kyoto rất mong đón du khách trở lại, nhưng 'thủ thỉ' những yêu cầu đặc biệt
Thành phố Kyoto là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhất ở Nhật Bản, nhưng có một vấn đề nhỏ.
- 26-09-2022Người Việt đóng giày thủ công giá nghìn USD tại Nhật Bản
- 22-09-2022Nhà hàng được 'tạo tác' như hang động dưới lòng đất Nhật Bản
- 20-09-2022Bên trong 'thế vận hội' so găng những con bò wagyu lấy thịt đắt đỏ bậc nhất Nhật Bản
Những ngày trước tháng 3/2020, người bán thực phẩm ở chợ Nishiki, Kyoto thường mong giá có gì chấm dứt dòng du khách ham chụp ảnh dường như vô tận từ nước ngoài.
"Chúng tôi không quen với khách du lịch nước ngoài", Hatsuda Nobuyuki, người đứng đầu một khối kinh doanh quảng bá con phố mua sắm ở trung tâm thành phố, cho biết. Nishiki nổi tiếng với việc bày bán vô số các món ăn truyền thống Nhật được bày biện và đóng gói cẩn thận.
Khu chợ vốn rất náo nhiệt kể cả nếu không có du khách. Nhưng hàng đoàn khách du lịch nước ngoài, len lỏi qua những gian hàng được sắp xếp tỉ mỉ, mặc cả với người bán trong khi để hành lý chặn hết mặt tiền các cửa hàng - khiến người dân địa phương gần như không thể mua bán bình thường.
Nhưng rồi đại dịch ập đến. Ông Hatsuda, cũng là người bán kamaboko (một loại bánh cá tinh tế được cắt thành những ổ màu trắng và hồng đặc trưng) cho rằng cả du khách và dòng tiền từ du lịch dường như đã bốc hơi - sự thật này khiến những người bán hàng có chút "quay xe".
"Chúng tôi nhận ra mình không thể lựa chọn khách hàng".
Trong số các nền kinh tế lớn, Nhật Bản từng có kiểm soát biên giới chặt chẽ hàng đầu trong suốt đại dịch. Từ đầu năm 2021, chỉ có chưa quá 80.000 du khách nước ngoài đặt chân đến đây. Kể cả khi nhiều nước đã hoàn toàn mở cửa trở lại, Nhật vẫn khá cẩn trọng với du khách, nhất là nếu không đi theo tour.
Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm thay đổi. Thủ tướng Kishida Fumio tuần trước cho biết nước này sẽ nới lỏng hơn nữa việc kiểm soát biên giới vào tháng 10, loại bỏ giới hạn du khách hàng ngày và cho phép du lịch tự do.
Một Kyoto đằng sau những tấm ảnh mạng xã hội lung linh
Khi du lịch dần quay trở lại, Kyoto, giống như các địa điểm du lịch nổi tiếng khác trên toàn thế giới, đang đau đầu với việc làm thế nào để thu hút đông đảo du khách mà không phải hy sinh chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Do chưa có giải pháp rõ ràng, chính phủ Kyoto đang đặt cược vào sự thay đổi về góc nhìn: Sau nhiều năm quảng bá "omotenashi" - một từ tiếng Nhật để chỉ lòng hiếu khách một cách chu đáo - thành phố đang cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho việc tự chăm sóc mình.
Đền Takenaka Inari, một trong những điểm ngắm hoa anh đào đẹp nhất Kyoto.
"Kyoto không phải là một thành phố du lịch đơn thuần, mà là một thành phố coi trọng du lịch", Daisaku Kadokawa, thị trưởng thành phố, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại tòa thị chính.
Kyoto là nơi đặt trụ sở của một số công ty nổi tiếng toàn cầu, như Nintendo và Kyocera, đã sản sinh ra nhiều người đoạt giải Nobel về khoa học hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Nhật Bản. Nhưng trong những năm trước đại dịch, nó đã trở nên phụ thuộc vào lượng du khách đông đúc và xô bồ.
Cố đô vốn luôn là điểm đến nổi tiếng của du khách trong nước. Trước khi Nhật Bản mở cửa với thế giới vào năm 1851, những người hành hương đã đi bộ từ khắp nơi tại Nhật để thăm hơn 2.000 ngôi chùa và đền thờ cổ tại thành phố.
May mắn không bị tàn phá bởi Thế chiến II, Kyoto hấp dẫn như một bảo tàng sống, một địa điểm phổ biến cho các chuyến tham quan của học sinh và những người yêu truyền thống, lịch sử.
Người ta không đến Kyoto vì những bữa tiệc nhộn nhịp, mà tìm kiếm một hơi thở cổ xưa đặc trưng của Nhật Bản trong những hồ cá koi của các ngôi chùa; mùi trà nâu rang hojicha, những kiến trúc mái ngói cổ xưa hay tiếng gõ của dép gỗ xuống nền đường lót cuội.
Vài năm trước đại dịch, du lịch Nhật Bản phát triển thần tốc khi tăng từ con số 10 triệu du khách năm 2013 lên gấp 3 lần năm 2019. 1/3 trong số đó đến Kyoto, nơi mà có tới 1/5 lực lượng lao động làm trong ngành du lịch, đóng góp 13% doanh thu thuế cho toàn thành phố.
Nhưng người dân địa phương nhanh chóng hết hứng thú cái mà họ gọi là "ô nhiễm du lịch". Những chiếc vali lấp kín lối đi xe buýt trong thành phố. Những du khách háo hức làm phiền các geisha học việc. Rồi cả chuyện những vị khách lạc đường vào nhầm nhà dân địa phương khi tìm địa chỉ Airbnb.
Một phần lớn hình ảnh du lịch của thành phố được "nhào nặn" bởi mạng xã hội, nhưng không phải theo cách tích cực.
Kawaguchi Masutami, người cung cấp các chuyến tham quan riêng trong thành phố bằng tiếng Anh, nói rằng - trước đại dịch - hành trình du khách hầu như hoàn toàn do Instagram quyết định.
Du lịch trở nên tập trung vào các khu vực đẹp như tranh vẽ nổi tiếng của thành phố, khi mọi người xuống tàu tại ga Kyoto và sau đó đổ xô đến 2 hoặc 3 điểm chụp ảnh đẹp nhất - những rặng tre ở Arashiyama, những cánh cổng màu cam uốn lượn trên ngọn núi phía sau đền Fushimi Inari và gian hàng vàng ở chùa Kinkauji - tạo ra tình trạng tắc đường và đông đúc ở các khu vực xung quanh.
Dù lịch sự, cư dân bản địa Kyoto không mấy hài lòng. Ở chợ Nishiki, họ dựng những tấm biển yêu cầu du khách không ăn uống khi đi bộ - một điều gần như cấm kị ở Nhật. Các cửa hàng lâu đời mất khách do dân địa phương quá chán cảnh đông đúc và náo nhiệt mà tìm đến siêu thị, dẫn đến phải đóng cửa.
Kể cả các nhà sư cũng dần mất kiên nhẫn. Vào mùa thu và mùa xuân, khi các con phố trở nên tắc nghẽn bởi khách du lịch đổ xô tới chiêm ngưỡng những chùm lá phong và hoa anh đào, "mọi người thậm chí không thể rời khỏi nhà mình và thành phố gần như không thể ở nổi", Kojo Nagasawa, Tổng thư ký của Liên đoàn Phật giáo Kyoto, có thành viên là 3 trong số những ngôi chùa nổi tiếng nhất của thành phố, cho biết.
Nhóm này từ lâu đã kêu gọi sự điều độ trong phát triển kinh tế của Kyoto. Vào năm 1991, họ đã đăng một quảng cáo toàn trang trên tờ The Times phản đối việc xây dựng các khách sạn cao tầng mới, lo ngại rằng việc đó sẽ hủy hoại cảnh quan độc đáo.
Ông Nagasawa nói: "Trước khi chúng ta nhận ra, nền kinh tế đã chỉ toàn là du lịch. Họ không biết khi nào là đủ".
Tìm cách hạn chế một số vấn đề tồi tệ nhất, vào năm 2018, thành phố đã phạt nặng các nhà đầu tư đang cố gắng "chiếm đoạt" những ngôi nhà truyền thống trong các khu dân cư và biến chúng thành nhà trọ trên Airbnb.
Tác động không ngờ của đại dịch
Nhưng mọi chuyện thay đổi kể từ khi đại dịch kéo đến vào mùa xuân năm 2020. Tình trạng nợ và khó khăn tài chính kéo dài của thành phố, kết hợp với việc bị cắt nguồn thu từ du lịch đã trở thành "cú đấm đôi", theo lời thị trưởng Kadokawa
Vào đầu đại dịch, "Người dân trong thành phố nói, 'Chúng ta đã trở lại Kyoto trước đây, chẳng tuyệt sao", Toshinori Tsuchihashi, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, cho biết.
Tuy nhiên, khi thiệt hại kinh tế ngày càng gia tăng, người dân "đã nhận ra tầm quan trọng của du lịch".
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi. Trước đại dịch, gần như không thể đặt chỗ trước tại một trong nhiều nhà hàng nằm dọc Pontocho, một con hẻm tấp nập chạy song song với Sông Kamo ở trung tâm thành phố Kyoto. Nhưng vào một đêm cuối tuần gần đây, những tấm biển "cho thuê" treo trên cửa sổ cửa hàng tối om, và nhiều sân hiên nhìn ra mặt nước thưa vắng bóng người.
Du khách dọc sông Kamo trước đại dịch.
Theo Manabu Kusui, Tổng giám đốc khách sạn The Mitsui Kyoto, một khách sạn sang trọng theo phong cách phương Tây, địa điểm này đã khai trương vào cuối năm 2020 nhưng hoạt động dưới mức công suất trong hầu hết đại dịch.
Khi khách du lịch bắt đầu quay trở lại Kyoto, khách sạn hy vọng sẽ tạo sự khác biệt bằng cách cung cấp cho khách những trải nghiệm độc quyền mà họ đã thương lượng với một số điểm đến xinh đẹp nhưng ít được đặt chân đến của Kyoto.
Một trong những tour đầu tiên là chuyến tham quan riêng đến Lâu đài Nijo, nơi ở của shogun đầu tiên của Nhật Bản, Tokugawa Ieyasu, nằm ở vị trí thuận tiện bên cạnh khách sạn.
Đây là một nỗ lực mà thành phố đang cố gắng quảng bá nhằm giải quyết tình trạng quá tải du lịch ở một số địa điểm nhất định như trước đại dịch.
Nhưng ông Kusui biết rằng mọi người đến Kyoto với một hành trình nhất định trong tâm trí và "chúng tôi không thể bảo họ không đến một nơi nào đó như chùa Kiyomizu", ông nói, đề cập đến ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng nằm trên một mặt núi ở phía đông Kyoto.
Những nhắn nhủ thân thiện
Không thể áp đặt giới hạn lên du khách, nhà chức trách mong muốn ít nhất họ có thể giảm bớt áp lực lên một số khu vực bị tập trung quá đông đúc. Trước mắt, giải pháp bao gồm việc giúp du khách nhận ra tinh thần truyền thống của Kyoto.
Với tinh thần đó, chợ Nishiki quyết định sẽ đổi việc khuyên du khách không nên làm gì sang việc khuyến khích họ nên làm gì, không dùng danh sách "đừng" mà sẽ áp dụng danh sách "làm ơn". Du khách có thể quét mã QR ở lối vào và nhận được danh sách những điều nên làm để tận hưởng khu chợ và được cảm ơn bằng cách sử dụng Wi-fi miễn phí.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận đối với du lịch. Chẳng hạn, chùa Kiyomizu hướng đến việc giúp du khách nhận ra Kyoto còn là một nơi để sinh sống chứ không phải một công viên chủ đề.
Chùa Kiyomizu.
Trước đại dịch, ngôi chùa với kiến trúc và cảnh quan tinh tế bị tắc nghẽn bởi khách du lịch, nhất là vào mùa cao điểm, phần nào làm mất đi mục đích ban đầu của nó là nơi để tận hưởng sự yên bình và linh thiêng.
2 năm rưỡi qua đã giúp trụ trì ngôi chùa, Mori Seigen thử nghiệm những phương pháp tương tác mới với du khách. Những tháng gần đây, ông mở chùa vào ban đêm và đón các nhóm du khách nhỏ, hướng dẫn họ cầu nguyện và cùng ngồi trò chuyện.
Ông tin rằng việc nhìn thấy ngôi chùa vào ban đêm đã làm thay đổi cơ bản mối quan hệ của du khách với không gian này, vì sự thúc ép trước đây của đám đông được thay thế bằng tiếng ve kêu râm ran, mùi hương lan tỏa và bóng mờ nhẹ trên những bức tượng cổ.
Ông Mori rất háo hức chào đón những vị khách từ nước ngoài, ông nói, miễn là họ hiểu rằng trải nghiệm tại chùa là tập trung vào chiêm nghiệm.
Otsuki Takeshi, tổng giám đốc của công ty du lịch Nhật Bản JTB, cho biết Kyoto đang mong đợi sự trở lại của du khách với cảm giác pha trộn giữa mong mỏi và lo lắng.
Ông Otsuki nói: "Chúng tôi hy vọng số lượng du khách sẽ tăng dần dần và chúng tôi có một 'cú hạ cánh' nhẹ nhàng".
Một số người khác thì đang háo hức chào đón những khách du lịch mới.
Shinbo Fuminari là một thành viên của nhóm những người đã về hưu bắt đầu tập luyện trước Thế vận hội Tokyo nhằm tổ chức tour bằng tiếng Anh cho du khách đến Kyoto. Tiếc là họ chưa từng có cơ hội được sử dụng vốn tiếng Anh ấy.
Vào cuối tháng 8, khoảng 20 tình nguyện viên đã háo hức tập trung trước Fushimi Inari, một ngôi đền đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng nhất của Kyoto, để diễn tập.
Đền Fushimi Inari nổi tiếng với dãy cổng cam rực rỡ.
Mặc những chiếc yếm màu xanh dương tươi sáng với dòng chữ trắng quảng cáo trợ giúp miễn phí cho khách du lịch nói tiếng Anh, họ đã giới thiệu đặc điểm nổi tiếng nhất của ngôi đền, một hành lang với gần một nghìn cánh cổng màu cam rực rỡ đã tạo nên một mảng màu sặc sỡ cho vô số bức ảnh du lịch.
Khi chuyến tham quan kết thúc, ông Shinbo cho biết ông rất vui mừng vì cuối cùng ông sẽ có thể vận dụng tốt thành quả tập luyện chăm chỉ của mình.
Nguồn: NYT
Phụ nữ Việt Nam