Là công ty dược lớn nhất Việt Nam, Dược Hậu Giang kiếm tiền nhiều nhất từ loại thuốc nào?
Hapacol – một loại thuốc giảm đau, hạ sốt có công dụng phổ thông, và nhu cầu về sản phẩm rất lớn. Đây cũng là sản phẩm mà công ty dược nào cũng có nhưng Hapacol đem lại doanh thu lớn nhất cho Dược Hậu Giang.
- 26-01-2017Dược Hậu Giang lãi cao nhất kể từ khi niêm yết, EPS năm 2016 đạt hơn 7.000 đồng/cổ phiếu
- 19-10-2016“Nữ tướng” Dược Hậu Giang: Không có con đường trải thảm cho bất kỳ ai muốn khởi nghiệp
- 15-10-2016Dược Hậu Giang đang thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ thực phẩm chức năng
CTCP Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG) là nhà sản xuất và phân phối thuốc lớn nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết với biên lợi nhuận gộp trên 40% và tỷ suất sinh lợi (ROE) trên 20% hàng năm. Vậy loại thuốc nào đóng góp chính cho doanh thu của họ?
Đó là Hapacol – một loại thuốc giảm đau, hạ sốt.
Hapacola là sản phẩm mũi nhọn của Dược Hậu Giang. Là một loại thuốc có công dụng phổ thông, nhu cầu về sản phẩm này rất lớn và cũng là sản phẩm mà công ty dược nào cũng có nhưng lợi thế của Hapacol là độ phủ sóng thương hiệu cao, thiết kế bao bì bắt mắt và hệ thống phân phối lớn. Theo Euromonitor, Hapacol chiếm tới 12% thị phần thuốc giảm đau trong năm 2015, chỉ sau 2 nhãn hiệu ngoại là Panadol và Efferalgan. Năm 2016, doanh thu từ Hapacol đạt 660 tỷ đồng – tăng 14,3% so với năm 2015.
Bên cạnh loại thuốc giảm đau hạ sốt nói trên thì tổng doanh thu của 2 loại thuốc kháng sinh Klamentin và Haginat cũng không kém cạnh. Tuy nhiên, 2 sản phẩm này không cho thấy sự khác biệt đáng kể so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sau 10 năm khai thác, 2 sản phẩm này có dấu hiệu tăng trưởng chững lại nhưng trong năm 2016 cũng đạt mức tăng trên 30%, chủ yếu do doanh thu năm 2015 ở mức thấp so với thông thường.
Còn Apitim – loại thuốc cho bệnh tim mạch, tiểu đường đã tăng hơn 50% lên mức doanh thu 103 tỷ đồng.
CTCK BVSC tổng hợp
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận xét, trong bối cảnh các sản phẩm thuốc tân dược nội trên thị trường có quá nhiều sự tương đồng, chiến lược của DHG là tập trung phát triển các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên thông qua việc hợp tác với các viện công nghệ sinh học. VDSC đánh giá đây là hướng đi đúng đắn và có thể tạo sự khác biệt cho DHG trong những năm tới.
Theo đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu của sản phẩm kháng sinh đã giảm dần từ 45% năm 2008 xuống còn khoảng 40% trong năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 38,5% vào năm 2020. Thay vào đó sẽ là sự tăng lên của các dòng thuốc dinh dưỡng, tim mạch và gan mật. 2 loại thuốc mà Dược Hậu Giang đang tập trung phát triển là Naturenz (gan) và NattoEnzym (tim mạch). VDSC đánh giá Naturenz sẽ tiếp tục là sản phẩm chủ lực của DHG. Bắt đầu đóng góp doanh thu từ 2009 chỉ 10 tỷ đồng, đến năm 2016 loại thuốc này đạt doanh thu gần 90 tỷ đồng.
Hiện tại, cạnh tranh với Naturenz là thuốc bổ gan Boganic của Traphaco. Doanh thu của Boganic vượt trội so với Naturenz.
Trong bối cảnh các sản phẩm tân dược nội không cho thấy sự khác biệt, Dược Hậu Giang đang tập trung nguồn lực để quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên. Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, khi thói quen sử dụng thực phẩm chức năng tại Việt Nam ngày càng phổ biến, cùng với đó là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (gan mật, tim mạch, tiểu đường…) thì danh mục mà DHG đang xây dựng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Sự hợp tác chiến lược với Taisho, một công ty dược phẩm hàng đầu của Nhật hứa hẹn sẽ hỗ trợ DHG trong hướng đi này, bên cạnh việc giúp gia tăng đáng kể doanh thu phân phối bắt đầu từ năm 2017.
Trí Thức Trẻ