Là doanh nghiệp nhà nước, Petrolimex tiếp tục “thiệt thòi”?
Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn tổng công ty nhà nước thuộc ngành lĩnh vực có biến động lớn, trong báo cáo chung về doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cho biết Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có lúc phải chịu thiệt thòi.
- 03-08-2022Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng mạnh tồn kho: Petrolimex trích lập dự phòng gần 1.260 tỷ, PSH lỗ hơn 300 tỷ, trong khi PVOil, Thalexim lãi lớn
- 02-08-2022Hai nhà bán lẻ xăng dầu thu nghìn tỷ mỗi ngày: PV Oil lãi kỷ lục, Petrolimex lại bất ngờ báo lỗ do trích lập dự phòng
- 12-07-2022Ứng dụng gọi xe Be tung loạt ưu đãi tiếp sức cho sĩ tử mùa thi và hỗ trợ hoàn tiền cho tài xế đổ xăng tại Petrolimex
Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn tổng công ty nhà nước thuộc ngành lĩnh vực có biến động lớn, trong báo cáo chung về doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cho biết Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có lúc phải chịu thiệt thòi.
Theo báo cáo của Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội, Petrolimex là đầu mối kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu, dịch vụ phụ trợ xăng dầu với bề dày kinh nghiệm, duy trì thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế và trong nước, có hệ thống kho bể với sức chứa lớn và mạng lưới gần 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc tại 62 tỉnh/thành phố trên toàn quốc với nhiều khách hàng truyền thống, gắn bó.
Tập đoàn này luôn duy trì thị phần cung ứng xăng dầu tiêu dùng cả nước khoảng 48%, đóng góp vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 33.000 tỷ đồng/năm.
Chính phủ cho biết, mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều tác động khó khăn tới hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Petrolimex luôn nghiêm túc duy trì bán xăng dầu 24/7 đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong thời điểm căng thẳng nhất trong quý 1/2022, lượng xăng dầu cung ứng cho thị trường của Petrolimex chiếm tới 70-75% nhu cầu tiêu thụ của cả nước dù phải chịu thiệt thòi do giá xăng dầu tạo nguồn cao hơn giá được nhà nước công bố bán ra thị trường.
Năm 2021, theo số liệu Công ty mẹ, tổng doanh thu và thu nhập là 112.631 tỷ đồng, bằng 129% so với năm 2020; trong đó: doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 111.018 tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động tài chính 1.516 tỷ đồng, bằng 73% so với cùng kỳ; thu nhập khác đạt 97 tỷ đồng, bằng 111% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 1.883 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch, trong đó: kinh doanh xăng dầu lãi 553 tỷ đồng, hoạt động tài chính lãi 1.256 tỷ đồng; lợi nhuận khác 74 tỷ đồng. Số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2021 là 3.312 tỷ đồng.
Hợp nhất toàn Tập đoàn, tổng doanh thu và thu nhập là 170.969 tỷ đồng, bằng 136% so với cùng kỳ 2020. Tổng lợi trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn là 3.789 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 3.124 tỷ đồng. Số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2021 là 33.826 tỷ đồng.
Báo cáo cũng nêu nhiều con số ước thực hiện năm 2022.
Theo số liệu Công ty mẹ, tổng doanh thu ước đạt 202.500 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.440 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 11.250 tỷ đồng, đạt 288% kế hoạch năm; cổ tức trả cổ đông nhà nước ước thực hiện là 1.178 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Hợp nhất toàn Tập đoàn, tổng doanh thu ước đạt 263.900 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.820 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch; nộp NSNN ước đạt 32.100 tỷ đồng, đạt 133% kế hoạch năm.
Chính phủ nhận định, hiện nay, Petrolimex khó khăn về nguồn cung do: vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn, một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/cửa hàng xăng dầu ngoài xã hội hạn chế bán hàng đã tạo ra áp lực rất lớn cho Tập đoàn với tư cách là doanh nghiệp phải bù đắp sản lượng thiếu hụt do các doanh nghiệp khác để lại.
Trong khi đó, chi phí thực tế tăng cao nhưng chưa được phản ánh kịp thời vào giá bán theo quy định của Nhà nước dẫn tới kết quả kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn bị lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Các yếu tố tác động từ thị trường thế giới chủ yếu là sự biến động của giá dầu và các yếu tố chính trị, lạm phát vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn, khó dự báo trong năm 2022 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, Chính phủ nhận định.
Nhịp sống kinh doanh